Những người Ấn Độ sa chân tới chiến trường Ukraine

Ấn tượng trước quảng cáo về "việc nhẹ lương cao" tại Nga, nhiều công dân Ấn Độ ứng tuyển và cuối cùng nhận ra mình bị đưa đến chiến trường Ukraine.

Tháng 10 năm ngoái, David Moothappan thấy đoạn quảng cáo trên Facebook tuyển dụng nhân viên bảo vệ ở Nga với mức lương hàng tháng hơn 2.200 USD. Đây là mức thu nhập quá hấp dẫn đối với một ngư dân ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, như anh.

Vài tuần sau, Moothappan, 23 tuổi, nhận ra mình đã bị đưa đến mặt trận ở thành phố Donetsk do Nga kiểm soát, nơi rất gần với tiền tuyến miền đông Ukraine.

1 Nhung Nguoi An Do Sa Chan Toi Chien Truong Ukraine

David Moothappan, một trong những công dân Ấn Độ từng bị đưa đến mặt trận ở Ukraine để chiến đấu cho quân đội Nga. Ảnh: BBC

"Chết chóc và hủy diệt ở khắp mọi nơi", anh nói khi được hỏi về quãng thời gian trên chiến trường Ukraine.

Moothappan và một người đàn ông khác từ Kerala đã tìm được cách trở về quê nhà vào tuần trước. Họ nằm trong số nhiều người Ấn Độ đã bị lừa đến chiến đấu cho lực lượng Nga trong cuộc xung đột giữa nước này với Ukraine suốt thời gian qua.

Một số đã trở về nhà nhưng nhiều người khác vẫn mắc kẹt ở Nga. Hầu hết họ đều xuất thân từ gia đình nghèo và bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn về công việc nhẹ nhàng, thù lao cao, như "người hỗ trợ" trong quân đội Nga. Đến nay, ít nhất hai người Ấn Độ đã thiệt mạng trên chiến trường.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ đang "gây áp lực lớn với chính quyền Nga" để đưa các công dân của mình về nước. Tuần trước, Ngoại trưởng S. Jaishankar gọi đây là "vấn đề rất, rất đáng quan ngại" đối với quốc gia.

Moothappan cho hay anh cảm thấy nhẹ nhõm khi được trở về làng chài quê hương Pozhiyoor ở Kerala, nhưng không thể quên những gì đã chứng kiến trong suốt thời gian tham chiến ở Ukraine.

"Thi thể nằm la liệt trên mặt đất", anh kể về lần đầu tiên được đưa ra tiền tuyến. Quá sốc, anh lập tức nôn mửa và gần như ngất xỉu.

"Ngay sau đó, sĩ quan chỉ huy người Nga bảo tôi quay lại trại đóng quân. Phải mất hàng giờ tôi mới hồi phục", Moothappan cho biết.

Anh đã bị gãy chân vào dịp Giáng sinh khi đang chiến đấu ở một "địa điểm xa xôi". Gia đình không biết về hoàn cảnh của anh vào thời điểm đó và Moothappan cũng từ chối nói rõ về tình huống khiến mình bị thương.

Moothappan đã phải điều trị hai tháng rưỡi tại nhiều bệnh viện ở Lugansk, Volgograd và Rostov.

Ở làng chài Anchuthengu cách đó khoảng 61 km, cũng thuộc bang Kerala, Prince Sebastian cho hay anh đã có những trải nghiệm "gây chấn thương tâm lý" tương tự trên chiến trường Ukraine.

Tin lời thuyết phục của một người môi giới ở địa phương, anh được đưa tới thị trấn Lysychansk do Moskva kiểm soát ở miền đông Ukraine, biên chế vào một đơn vị huấn luyện gồm 30 người. Chỉ sau ba tuần huấn luyện, anh được điều ra tiền tuyến. Sebastian phải mang theo súng phóng lựu RPG-30 và mìn, khiến anh không thể di chuyển nhanh chóng.

Theo lời Sebastian, chỉ 15 phút sau khi anh đến tiền tuyến, một viên đạn đã bắn trúng chiếc xe tăng anh vừa nhảy xuống, nảy ra và xuyên qua tai trái của anh. Sebastian ngã xuống, nằm đè lên thi thể một lính Nga tử trận trước đó.

"Tôi bị sốc đến nỗi không thể cử động. Sau một tiếng, khi trời bắt đầu tối, một tiếng nổ khác vang lên khiến chân trái của tôi bị thương nặng", anh nhớ lại.

Cả đêm đó, anh nằm dưới chiến hào, máu liên tục chảy. Sebastian rời khỏi chiến trường vào sáng hôm sau và phải dành nhiều tuần điều trị tại hàng loạt bệnh viện ở Nga.

Anh được nghỉ phép một tháng để hồi sức. Trong thời gian này, một linh mục đã giúp Sebastian liên lạc với đại sứ quán Ấn Độ, nơi sau đó cấp cho anh giấy thông hành tạm thời và thu xếp để anh trở về nhà.

Sebastian cho biết hai người bạn đi cùng anh, cũng là ngư dân, vẫn mất tích. Cả anh và gia đình họ đều không nhận được tin tức gì từ hai người suốt nhiều tuần qua.

Theo các quan chức ở Kerala, đến nay họ đã nhận được khiếu nại từ gia đình của 4 người đàn ông, gồm Moothappan, Sebastian và hai người bạn, về việc họ bị lừa tới tham chiến ở Ukraine.

2 Nhung Nguoi An Do Sa Chan Toi Chien Truong Ukraine

Prince Sebastian tại quê nhà ở làng Anchuthengu, tỉnh Kerala, miền nam Ấn Độ. Ảnh: BBC

Kể về con đường đưa anh tới Nga, Sebastian cho hay vì công việc bấp bênh và thu nhập thấp, anh cùng hai người bạn đã tìm đến một tay môi giới trong làng để hỏi liệu họ có thể làm gì ở châu Âu hay không.

Người môi giới gợi ý họ đến Nga, nói rằng có một "cơ hội vàng" làm nhân viên bảo vệ với mức lương hơn 2.400 USD. Họ đồng ý ngay lập tức.

Mỗi người trả cho tay môi giới hơn 8.400 USD để xin thị thực Nga. Ngày 4/1, họ đến Moskva, nơi một người Ấn Độ, tự giới thiệu là Alex, chào đón họ.

Họ nghỉ qua đêm trong một căn hộ, sau đó được một người đàn ông đưa đến gặp sĩ quan tuyển quân ở thành phố Kostroma, cách đó 336 km. Ba người phải ký hợp đồng bằng tiếng Nga, thứ ngôn ngữ mà họ không có khả năng đọc hiểu, Sebastian cho hay.

Tại đây, họ cũng gặp ba tân binh người Sri Lanka. Sau đó, cả 6 người được đưa đến một trại quân sự ở vùng Rostov, giáp biên giới Ukraine. Các sĩ quan thu hộ chiếu và điện thoại di động của họ.

Khóa huấn luyện bắt đầu vào ngày 10/1. Những ngày tiếp theo, họ học cách sử dụng lựu đạn chống tăng và kỹ thuật cứu thương chiến trường.

Sau đó, họ được đưa đến căn cứ Alabino để tiến hành huấn luyện bổ sung trong 10 ngày, bất kể sáng hay tối. "Tất cả các loại vũ khí chờ chúng tôi tại đó", Sebastian nói. "Tôi bắt đầu thích thú với những món vũ khí, giống như đồ chơi".

Nhưng hiện thực tàn khốc đã ập đến với anh trên chiến trường.

Giờ đây, anh hy vọng có thể tiếp tục đánh cá. "Tôi phải trả lại toàn bộ số tiền đã vay và làm lại cuộc sống", anh cho biết.

Ở Pozhiyoor, Moothappan cũng có cùng ước mong với Sebastian.

"Tôi đã đính hôn với một cô gái trong làng khi rời đi. Tôi nói với cô ấy rằng mình sẽ mang tiền về và xây một ngôi nhà trước khi kết hôn", anh kể.

Hiện tại, cặp đôi quyết định chờ thêm hai năm nữa để Moothappan có thời gian ổn định lại cuộc sống. Nhưng anh cảm thấy vui vì ít nhất đã không giết ai trong thời gian ở chiến trường.

"Một lần, quân Ukraine cách chúng tôi khoảng 200 m. Chúng tôi được yêu cầu tấn công, nhưng tôi không bắn phát súng nào vào họ", anh nói. "Tôi không thể giết bất kỳ ai".

Vũ Hoàng (Theo BBC, AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan