Ấn Độ không ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường

Ấn Độ từ chối ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 4/7 ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trực tuyến, trong đó cho biết Trung Quốc, Kazakhstan, Kyzgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan tái khẳng định sự ủng hộ với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Các nước này "ghi nhận những nỗ lực đang được triển khai để cùng thực hiện dự án". Tuy nhiên, Ấn Độ, quốc gia chủ tịch SCO năm nay, không tán thành BRI. Iran, thành viên mới gia nhập, cũng không xuất hiện trong danh sách các nước ủng hộ BRI.

Khi phát biểu khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tái khẳng định cần tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của hiến chương SCO, đặc biệt là liên quan vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước thành viên, khi triển khai các nỗ lực nhằm tăng cường sự kết nối.

SCO được thành lập tại Thượng Hải năm 2001 với các quốc gia Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Ấn Độ, Pakistan gia nhập SCO năm 2017. Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến, do Ấn Độ chủ trì, và chào đón thành viên thứ 9 là Iran.

1 An Do Khong Ung Ho Sang Kien Vanh Dai Va Con Duong

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại New Delhi ngày 30/6. Ảnh: AFP

Một trong những lý do chính khiến Ấn Độ không ủng hộ BRI là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trong dự án đi qua vùng lãnh thổ Kashmir, nơi New Delhi đang tranh chấp lãnh thổ với Islamabad.

"Ấn Độ luôn ở thế khó xử liên quan BRI trong SCO. Họ luôn cho rằng đây là một ý tưởng tồi", Raffaello Pantucci, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nói.

Giới quan sát cho rằng Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ phản đối BRI kể từ khi gia nhập SCO năm 2017. "Ấn Độ không hoàn toàn tán thành BRI và có tầm nhìn riêng với các dự án phát triển hạ tầng. Trung Quốc cũng đã lường trước việc không có sự ủng hộ từ Ấn Độ", Zhu Yongbiao, giáo sư tại Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc nhận định.

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 nhằm khai thác thế mạnh tài chính của Trung Quốc để tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh mô tả là nhằm "xây dựng cộng đồng rộng lớn có chung lợi ích" khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

2 An Do Khong Ung Ho Sang Kien Vanh Dai Va Con Duong

Vùng Kashmir mà Ấn Độ và Pakistan đang có tranh chấp. Đồ họa: AP

Như Tâm (Theo India Today, SCMP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan