Kênh đào Phù Nam Techo: Mỹ nhấn mạnh phải minh bạch, Việt Nam họp tham vấn chuyên gia

Mỹ đã chính thức lên tiếng về dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) của Campuchia. Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn chuyên gia vào ngày 23/4. Campuchia vẫn quyết tâm thúc đẩy dự án.

1 Kenh Dao Phu Nam Techo My Nhan Manh Phai Minh Bach Viet Nam Hop Tham Van Chuyen Gia

Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Campuchia Hun Manet từng trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính về kênh đào Phù Nam Techo trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm ngoái. Giờ đây, phía Việt Nam đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai. NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC, GETTY IMAGES

Trong một tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt ngày 17/4, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu:

"Chúng tôi không can thiệp vào công việc quản lý nội bộ hay những quyết định phát triển của Campuchia.

"Với tư cách là một người bạn của nhân dân Campuchia, chúng tôi lưu ý rằng quản trị nguồn nước trong khu vực mang tính bền vững và hợp tác là trụ cột của Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ và Ủy hội sông Mekong (MRC)."

"Nhân dân Campuchia cũng như nhân dân ở các quốc gia lân cận và khu vực rộng hơn sẽ hưởng lợi từ tính minh bạch đối với bất kỳ hoạt động lớn có tác động tiềm ẩn lên sự bền vững của nguồn nước và nền nông nghiệp khu vực."

"Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách phối hợp chặt chẽ với MRC để cung cấp thêm chi tiết về dự án và tham gia đầy đủ vào các nghiên cứu tác động môi trường thích hợp nhằm giúp MRC và các quốc gia thành viên hiểu đầy đủ, thẩm định và chuẩn bị cho những tác động có thể có từ dự án này."

Ngày 9/4, cựu Thủ tướng Hun Sen đã chỉ trích gay gắt những nhận định về khả năng nước này đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua căn cứ hải quân Ream và dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Hun Sen, hiện là Chủ tịch Thượng viện, bác bỏ khả năng “lưỡng dụng” của kênh đào Phù Nam Techo, tức là có thể vừa phục vụ kinh tế-xã hội, vừa phục vụ quân sự.

Trước đó, bài báo "Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy" của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh được đăng trên Tạp chí Phương Đông thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông số 63 tháng 3/2024 có đề cập đến khả năng "lưỡng dụng" này.

Phản ứng gay gắt của ông Hun Sen được cho là nhằm vào chính bài viết trên tạp chí của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

"Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này," bài viết nêu.

Như cha mình, Thủ tướng Campuchia Hun Manet bác bỏ khả năng "lưỡng dụng" của kênh đào, với lập luận cho rằng con kênh đào này quá cạn, tàu chiến không lưu thông được. Độ sâu của kênh là 5,4 m.

"Trên hết, Hiến pháp Campuchia ngăn cấm việc lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hoặc tư tưởng và sự can đảm để vi phạm hiến pháp của chính mình. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ khả năng binh lính nước ngoài hiện diện trong lãnh thổ của mình. Thứ hai, chúng tôi kiên quyết bác bỏ việc lợi dụng quốc gia của chúng tôi làm bàn đạp để tấn công nhằm vào bất kỳ quốc gia nào," ông Hun Manet tuyên bố hôm 11/4.

Điều 53 của Hiến pháp Campuchia có nội dung ngăn cấm quốc gia này cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Điều 55 của Hiến pháp Campuchia nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào mà không bảo đảm độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.

Cũng vào ngày 11/4, ông Hun Manet tiếp tục khẳng định Campuchia sẽ thực hiện dự án Phù Nam Techo với nguồn vốn đầu tư 1,7 tỷ USD và nhấn mạnh con kênh chỉ thuần túy mang lợi ích kinh tế cho 1,6 triệu người dân địa phương sống ven kênh.

Dự án này sẽ bao gồm ba con đập, 11 cây cầu và đường đi hai bên dài 208 km, sẽ được hoàn thành trong thời gian 4 năm.

Theo các thông báo trước đây của ông Hun Manet thì kênh đào này sẽ được khởi công vào quý 4/2024.

'Chưa đủ tài liệu đánh giá dự án'

2 Kenh Dao Phu Nam Techo My Nhan Manh Phai Minh Bach Viet Nam Hop Tham Van Chuyen Gia

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Cho đến nay đã có ba tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng khẩn cấp do hạn mặn, gồm Tiền Giang, Cà Mau và Long An. Ảnh chụp tại tỉnh Bến Tre vào ngày 19/3/3024.

Ngày 23/4, Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn quốc gia về kênh Phù Nam Techo của Campuchia tại thành phố Cần Thơ.

"Gần đây nhất (tháng 8/2023), Campuchia đã gửi thông báo chính thức tới Ủy hội sông Mê Công quốc tế về kế hoạch xây dựng Kênh đào Phù Nam Techo nối sông Bassac (về Việt Nam là sông Hậu) ra biển Tây của Campuchia. Mặc dù dự án thuộc diện 'thông báo' nhưng do Kênh đào sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Bassac (là phân lưu chính của sông Mê Công) nên đã gây ra nhiều mối quan ngại của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và cộng đồng địa phương về tác động xuyên biên giới của dự án này," theo nội dung thư mời từ Ủy ban sông Mekong Việt Nam gửi đến các chuyên gia mà BBC News Tiếng Việt có thể tiếp cận.

Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc

3 Kenh Dao Phu Nam Techo My Nhan Manh Phai Minh Bach Viet Nam Hop Tham Van Chuyen Gia

Là một trong những nhà khoa học sẽ tham gia họp tham vấn vào ngày 23/4, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho BBC News Tiếng Việt biết vào ngày 18/4 quan ngại của ông hiện nay bao gồm lượng nước và đặc điểm thủy văn có thể thay đổi trong mùa khô và mùa lũ đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

"Theo tôi, cần có sự đánh giá thận trọng và toàn diện về khía cạnh thủy văn, nguồn nước, hệ sinh thái... về dự án này với sự tham gia của các nhà khoa học khác nhau, cùng nhau tham vấn về mặt kinh tế, môi trường, xã hội."

"Trong 14 trang tài liệu mà Ủy ban sông Mekong của Campuchia gửi cho Ủy hội vùng sông Mekong quốc tế, chỉ có 12 trang nói về dự án, hai trang đầu là thư. Trong 12 trang đó thì chỉ nói dự án là giao thông thủy nội địa, không đề cập vấn đề canh tác nông nghiệp, hay cấp nước sinh hoạt,... không cung cấp đầy đủ thông số vận hành của con kênh đó, do đó khó dùng tài liệu này để đánh giá đầy đủ tác động dự án."

"Mặc dù phía Campuchia trấn an là không ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không phải họ nói như vậy thì chúng ta cũng nghe như vậy. Chuyện quan ngại không hề thừa," Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng nhắc đến các dự án đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Ông cho biết những nước khi thực hiện dự án đập cũng thông báo là dự án không gây tác động gì đáng kể đến dòng chảy của sông Mekong.

"Tuy nhiên, cho đến nay thì chúng ta có thể thấy những tác động từ các đập thủy điện này đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào," Tiến sĩ Tuấn đánh giá.

Chính phủ Việt Nam trong tháng 4 này đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai về việc Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 11/4: “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo.”

Ông Việt cũng cho hay Việt Nam “đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong.

Sông Mekong sau khi đi qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia, thì tách ra làm hai nhánh, là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam, trước khi đổ ra Biển Đông.

Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động đáng kể từ các yếu tố xuyên biên giới như các đập thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu, hoạt động lấy nước từ sông Mekong sang nơi khác để canh tác, giao thông thủy ở Lào, Thái Lan.

Các tỉnh miền Tây, tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang trải qua tình trạng hạn mặn khốc liệt. Cho đến nay đã có 3 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp, gồm Tiền Giang, Cà Mau và Long An, nơi người dân thiếu nước ngọt nghiêm trọng trước khi mùa mưa có thể đến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Nguồn: BBC


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan