Một phái đoàn quan chức Ukraine tìm cách thuyết phục quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Hệ thống M142 HIMARS khai hỏa ở Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: Getty).
"Vấn đề chính hiện nay là chính sách của Nhà Trắng đang hạn chế khả năng của chúng tôi trong việc tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga", David Arakhamia, lãnh đạo đảng Phụng sự Nhân dân cầm quyền tại quốc hội Ukraine, nói trong chuyến thăm Washington hôm 14/5.
Oleksandra Ustinova, người đứng đầu Ủy ban vũ khí và đạn dược của quốc hội Ukraine, cho biết: "Chúng tôi thấy quân đội của họ (Nga) đóng quân cách biên giới Nga chỉ một hoặc hai km nhưng chúng tôi không thể làm được gì".
"Các ông đưa cho chúng tôi một cây gậy nhưng không cho chúng tôi sử dụng nó", nghị sĩ Ukraine nói thêm.
Các nghị sĩ Ukraine đã lên lịch họp với hơn 10 văn phòng quốc hội Mỹ để vận động thay đổi chính sách. Bất chấp những nỗ lực của họ, hai quan chức Mỹ xác nhận với Politico rằng lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn không thay đổi.
"Viện trợ nhằm mục đích phòng thủ, không phải cho các hoạt động tấn công trên lãnh thổ Nga", một quan chức Mỹ cho biết.
Ngược lại với Mỹ, Anh gần đây đã dỡ bỏ hạn chế đối với vũ khí nước này cấp cho Ukraine. Ngoại trưởng Anh David Cameron khẳng định Ukraine có quyền sử dụng vũ khí của Anh tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Lập trường này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Điện Kremlin, cho rằng đây là "động thái leo thang căng thẳng trực tiếp".
Trong ngày thứ hai của chuyến thăm Kiev hôm 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố gói viện trợ quân sự trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine, nhằm giúp Ukraine củng cố lực lượng trước các cuộc tấn công của Nga dọc chiến tuyến.
Khoản viện trợ này là một phần của gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD mà Washington đã phê duyệt sau nhiều tháng trì hoãn tại quốc hội.
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, ông Blinken nói rằng gói viện trợ của Mỹ nhằm "cung cấp vũ khí" và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, cho phép Ukraine mua thiết bị quân sự từ các nước khác.
Ông Kuleba nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của Ukraine là có thêm 7 hệ thống phòng không, đặc biệt là ở khu vực Kharkov phía đông bắc, nơi gần đây đã bị Nga nhắm mục tiêu tấn công. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc nhanh chóng chuyển giao các loại vũ khí mà các đồng minh đã cam kết cung cấp cho Ukraine.
Đề cập đến vấn đề gây tranh cãi về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Ngoại trưởng Blinken nói: "Chúng tôi không khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine, nhưng rốt cuộc Ukraine sẽ phải tự đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này".
Trước đó, trong bài phát biểu vào ngày 14/5, ông Blinken ca ngợi người dân Ukraine vì lòng dũng cảm và quyết tâm đối phó với lực lượng lớn hơn. Ông mô tả mong muốn được tự do của Ukraine như một "lợi thế chiến lược" mà với sự giúp đỡ của phương Tây, sẽ cho phép Ukraine không chỉ chống lại sự tấn công dữ dội của Nga mà còn có thể chiếm ưu thế.
Liên quan đến hỗ trợ quân sự, ông cho biết "nhiệm vụ chung của Mỹ và Ukraine là đảm bảo lợi thế chiến lược lâu dài và bền vững của Ukraine".
Ông nói thêm rằng Ukraine phải có khả năng ngăn chặn và phòng thủ trước các cuộc tấn công trong tương lai.
"Như Tổng thống Biden đã nói, chúng tôi muốn Ukraine giành chiến thắng và chúng tôi cam kết giúp các bạn làm điều đó", ông Blinken nói.
Ông Blinken cũng ca ngợi sự phát triển kinh tế của Ukraine, bất chấp cuộc xung đột, để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời chiến. Ngoại trưởng cũng nhắc lại ý định của chính phủ Mỹ là yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại chiến tranh.
Theo Politico, Kyiv Post
Nguồn: Báo điện tử Dân trí