Tổ chức Asian American Advancing Justice tại Los Angeles (AAAJ) vừa có buổi họp báo ở Los Angeles lúc 10 giờ ngày 9 Tháng Ba, để thảo luận về quyền của những di dân bất hợp pháp và những di dân hợp pháp nhưng chưa có quốc tịch Mỹ.
Thuyết trình đoàn của AAAJ, nói về quyền của di dân. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) Theo sắc lệnh di trú mới đây của Tổng Thống Trump, các cuộc lùng bắt di dân bất hợp pháp và di dân hợp pháp chưa có quốc tịch nhưng có tội để trục xuất họ tăng cao khắp nơi trong nước.
Điều này làm cho nhiều sắc dân, kể cả người Việt Nam, có thế lâm vào tình trạng nguy hiểm, đó là, bị bắt và bị trục xuất, theo luật hiện hành.
Thuyết trình đoàn gồm ông Steward Kwoh, đại diện AAAJ; ông David Ryu, nghị viên Los Angeles; ông Apolonio Morales, thuộc Liên Hội Nhân Quyền Cho Di Dân; và ba luật sư di trú của AAAJ là bà Martha Ruch, ông Christopher Lapinig, và ông Kevin Liu.
Các thuyết trình viên cùng công nhận rằng nhân quyền của di dân bất hợp pháp là một đề tài phức tạp bởi vì đa số những người này tưởng rằng mình không được luật pháp bảo vệ.
Ông Kwoh nói: “Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, ai ở trên đất nước này cũng có quyền, và do đó được luật pháp bảo vệ, dù là người ở bất hợp pháp, dù là người phạm pháp.”
Ông thêm: “Xin nhớ rằng không phải vì một người ở Mỹ bất hợp pháp mà đại diện pháp luật muốn làm gì người ấy cũng được. Điều quan trọng là phải biết quyền của mình.”
Nếu vì sợ hãi quá mà quên tất cả quyền của mình, điều duy nhất di dân bất hợp pháp phải nhớ là mình có quyền trả lời là “Tôi không muốn nói,” hoặc là “Tôi muốn nói chuyện với luật sư.”
Ông Morales kể: “Vài tuần trước, một nhóm người không giấy tờ, bị cảnh sát di trú (ICE) bắt tại sở làm và đưa lên xe chở đi San Diego. Đi được hơn 1 tiếng, có một người đứng lên yêu cầu được gọi điện thoại cho luật sư. Thế là họ được đưa trở về Los Angeles để liên lạc với luật sư của họ.”
Ông Lapinig, chuyên về luật ruồng bắt tại sở làm, nói: “Nếu có giấy tờ hợp pháp thì luôn giữ trong người. Nếu không, xin đừng giữ bất cứ giấy tờ khác trong người như giấy thông hành hay khai sinh tại nước khác. Tóm lại, nếu đã bất hợp pháp thì không giữ giấy tờ do nước khác cấp trong người cả.”
Dĩ nhiên, tuyệt đối không nên sử dụng giấy tờ giả.
Ông căn dặn: “Vào sở làm, quí vị không có giấy tờ hợp pháp nên bàn trước với nhau nên làm gì khi ICE vào. Chẳng hạn là tất cả cùng đồng lòng không nói gì cả.”
Ai cũng có quyền hỏi, “Tôi đi chỗ khác được không?”, nếu họ nói được, thì nên từ từ, thủng thẳng mà đi, ông khuyên.
Một điều phải nhớ là ICE có rất nhiều mưu mẹo để bắt người, ông Lapinig nói. Họ có thể yêu cầu ai có giấy tờ hợp pháp đứng qua một bên, ai không có, thì đứng bên kia.
Trong trường hợp này, người không giấy tờ không nên đi qua bên nào cả, vì nếu qua bên có giấy tờ là mình nói láo, mà qua bên không giấy tờ là mình tự thú rồi.
Ông Lapinig nhấn mạnh: “Ai cũng có quyền không nói gì cả. Và cảnh sát không thể buộc mình phải nói được. Họ có thể dọa nạt, nhưng không thể bắt bớ vô cớ được.”
Theo ông, ai có điện thoại mở được bằng dấu tay thì nên cài đặt lại, để chỉ mở được bằng mật mã thôi. Ngoài ra, mọi người nên thuộc lòng số điện thoại của luật sư di trú và thân nhân vì có thể bị tịch thu điện thoại.
Trong lúc đang bị làm khó dễ, dù ở nhà hay sở làm, nếu có thể được, nên quay video hay chụp hình khung cảnh một cách cẩn thận, đừng để cảnh sát biết, và nên ghi tên người có trách nhiệm và cơ quan của họ, vẫn theo ông Lapinig.
Nhất định không ký tên vào bất cứ giấy tờ nào cả. Chỉ yêu cầu được gặp luật sư thôi, vẫn theo ông.
Nếu là người nhập cảnh bằng visa, khi gặp rắc rối với ICE thì yêu cầu nói chuyện với luật sư hay liên lạc với cơ quan lãnh sự của nước mình.
Bà Ruch nói: “Với những người nhập cư hợp pháp, mà chưa có thẻ xanh, mà phạm những tội như đánh đập vợ, chồng, hay say rượu lái xe, thì phải biết rằng ICE không thể vì vậy mà trục xuất mình được. Những tội này có thể làm việc xin thẻ xanh hay quốc tịch bị chậm trễ mà thôi.”
Bà căn dặn: “Đang ở trong nhà, ICE đến gõ cửa thì không mở cửa, không mời họ vào. Nếu có trát bắt thì nói họ đút vào dưới cửa và xem xét thật kỹ có đúng tên mình hay tên người trong gia đình hay không, và phải có chữ ký của chánh án.”
Nghị Viên Ryu nói: “Khi lái xe mà bị hỏi giấy tờ di trú thì hỏi họ là ai. ICE không được chặn xe. Gặp trường hợp này, thì yêu cầu nói chuyện với luật sư.”
Nên nhớ, ở Mỹ, dù đang phạm pháp, người ta vẫn được Hiến Pháp bảo vệ, nên những người không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ đừng nên sợ hãi thái quá mà để cho những điều đáng tiếc xảy ra.
Tuy nhiên, những quyền hạn của người ở bất hợp pháp có thể bị giảm đi nhiều, nếu ở cách biên giới trong vòng 100 dặm, ông Lapinig nói.
Cần giúp đỡ hay cố vấn pháp lý, có thể liên lạc AAAJ bằng tiếng Việt: (800)267-7395