11 giờ cân não trong vụ giải cứu con tin ở giáo đường Do Thái Texas

Cảnh sát cho biết trong suốt thời gian đàm phán với tay súng bắt giữ 4 con tin ở Texas, nghi phạm mỗi lúc một hung hăng và tỏ thái độ thù địch.

Ngay trước thềm năm mới, người đàn ông 44 tuổi đến từ một thành phố công nghiệp ở miền Bắc nước Anh đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kennedy.

Trên hồ sơ khai báo di chuyển, người này cho biết điểm đến của mình là một khách sạn trên đại lộ Queens. Không có bất kỳ dấu hiệu về mối đe dọa tiềm năng nào từ người đàn ông, theo New York Times.

Hai tuần sau, ngày 15/1, ông nhập lễ tại một giáo đường Do Thái ở ngoại ô Fort Worth, Texas, cách khách sạn gần 2.600 km và cách nhà ông hơn 7.700 km.

Trong suốt 11 giờ, sự xuất hiện của người này - kèm tuyên bố rằng ông có súng và bom - đã gây nên sự náo loạn và lo sợ trên khắp cả nước khi ông bắt giữ 4 con tin, gồm một giáo sĩ và ba thành viên khác của nhà thờ Beth Israel ở Colleyville.

11 giờ đàm phán

Vụ bắt giữ con tin bắt đầu vào khoảng 10h40 sáng 15/1. Khi nhà thờ đang phát trực tiếp một hoạt động của họ trên Facebook thì một người đàn ông xuất hiện, tỏ thái độ tức giận và bắt đầu đưa ra các yêu cầu vô lý.

Cảnh sát nhận được cuộc gọi 911 về "một tay súng tiến vào nhà thờ Do Thái" và bắt một số con tin, cảnh sát trưởng Michael C. Miller của Sở cảnh sát Colleyville cho biết tại cuộc họp báo hôm 15/1.

1 11 Gio Can Nao Trong Vu Giai Cuu Con Tin O Giao Duong Do Thai Texas

Đội SWAT được triển khai gần nhà thờ Beth Israel ở Colleyville. Ảnh: AFP.

Một đoạn video từ đài tin tức địa phương WFAA cho thấy nhiều người tháo chạy ra khỏi nhà thờ. Một lúc sau, một người đàn ông cầm súng xuất hiện thấp thoáng ở cửa, trước khi quay vào trong tòa nhà.

Ông Miller cho biết ngay sau đó, người dân gần nhà thờ đã được sơ tán sau khi các quan chức đến hiện trường.

Ngày 16/1, các nhà chức trách xác định người đàn ông này là Malik Faisal Akram, quốc tịch Anh.

Ông Akram đã liên lạc với các quan chức thực thi pháp luật trong suốt thời gian bắt giữ con tin, trước khi bị tiêu diệt, theo ông Matthew DeSarno, đặc vụ phụ trách bộ phận điều tra hiện trường của FBI ở Dallas.

“Nhóm đàm phán liên tục liên lạc và nói chuyện với người này”, ông nói, và cho biết thêm rằng có thời điểm cuộc đàm phán suôn sẻ nhưng cũng có những lúc căng thẳng, thậm chí liên lạc đã có khi bị cắt đứt.

Chuyên gia về các tình huống bắt giữ con tin nói rằng việc duy trì đối thoại là điều tối quan trọng.

Trong khi nói chuyện với các nhà đàm phán, tại một thời điểm, nghi phạm nói: “Con cái của họ (các con tin) ngay lúc này đang đau đớn vì các ông không muốn hợp tác với tôi đấy”.

Sau khi hỏi từng con tin rằng họ có bao nhiêu người con, người đàn ông nói với với các nhà đàm phán: “Các người muốn 7 đứa trẻ mồ côi sao?”.

Đến khoảng 15h, một con tin được thả và không có bất cứ thương tích nào, trong khi 3 người còn lại tiếp tục bị giữ lại.

Tại một số thời điểm, ông Akram dường như đã liên lạc với bà Angela Buchdahl, một giáo sĩ Do Thái của nhà thờ Do Thái Trung tâm ở New York, theo thông tin từ nhà thờ. Không rõ hai người họ đã trao đổi vấn đề gì.

Giáo sĩ Buchdahl "không có liên hệ trước đó" với ông Akram và "ngay lập tức liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật và làm theo hướng dẫn của họ", theo tuyên bố từ nhà thờ.

Trong những giờ cuối cùng trước khi thiệt mạng, Akram "mỗi lúc càng trở nên hung hăng và liên tục đe dọa", giáo sĩ Charlie Cytron-Walker - một trong những con tin - cho biết.

2 11 Gio Can Nao Trong Vu Giai Cuu Con Tin O Giao Duong Do Thai Texas

Cảnh sát Colleyville đảm bảo an ninh cho khu vực xung quanh nhà thờ Beth Israel hôm 15/1. Ảnh: AP.

Khoảng 21h, đội giải cứu con tin của FBI đã bay từ Virginia đến, đột nhập tòa nhà và cứu thoát ba con tin còn lại, cảnh sát trưởng Miller thông tin tại cuộc họp báo. Không rõ điều gì đã khiến nhóm giải cứu tiến vào nhà thờ một cách mạo hiểm như vậy.

Một đoạn video cho thấy các nhóm nhân viên thực thi pháp luật tiến vào tòa nhà từ hai lối vào. Có thể nghe thấy âm thanh giống như tiếng súng và một tiếng nổ lớn trong video.

Khi được phóng viên hỏi liệu nghi phạm tự bắn mình hay bị cảnh sát tấn công, ông Miller nói rằng “vẫn đang điều tra” sự việc.

Không có dấu hiệu khả nghi khi nhập cảnh vào Mỹ

Điều gì đã lôi kéo Akram đến Texas vẫn còn là một bí ẩn.

Tổng thống Biden gọi vụ bắt giữ con tin này là "hành động khủng bố", và các nhà chức trách Anh xác nhận rằng cảnh sát chống khủng bố đã tham gia điều tra.

Cuối ngày 16/1, Sở cảnh sát Greater Manchester, Anh, thông báo rằng họ đã tạm giữ hai thiếu niên để thẩm vấn. Cơ quan này không cho biết họ là ai hoặc tại sao họ bị thẩm vấn.

Ông Akram là người gốc Blackburn Lancashire, thuộc Tây Bắc nước Anh, các nhà chức trách Anh cho biết.

Akram nhập cảnh vào Mỹ hợp pháp, theo hai quan chức Mỹ.

3 11 Gio Can Nao Trong Vu Giai Cuu Con Tin O Giao Duong Do Thai Texas

Ông Matthew DeSarno, đặc vụ phụ trách bộ phận điều tra hiện trường của FBI ở Dallas. Ảnh: AFP.

Khách sạn mà ông này khai báo sẽ ở khi nhập cảnh được mô tả trên Google Maps là “chỗ ở bình dân”. Không rõ người này có thực sự ở tại đó hay không. Nhân viên khách sạch từ chối cung cấp thông tin chi tiết, và camera giám sát tại đó không cho thấy dấu hiệu gì bất thường.

Tại một cuộc họp báo vào tối 15/1, ông DeSarno chỉ cho biết Akram “đặc biệt tập trung vào một vấn đề”. Bộ An toàn Công cộng Texas cho biết hôm 15/1 rằng Akram đã yêu cầu gặp một phụ nữ đang bị Mỹ giam giữ vì có liên quan đến "các sự kiện khủng bố" ở Afghanistan.

Các quan chức Mỹ cho biết nhà chức trách đang điều tra xem liệu có phải ông này ám chỉ Aafia Siddiqui, một nhà khoa học người Pakistan bị kết án 86 năm tù vào năm 2010 vì cố sát hại các sĩ quan quân đội Mỹ trong khi ở Afghanistan.

Bà Siddiqui hiện bị giam tại Trung tâm Y tế Liên bang, Carswell, ở Fort Worth, cách nhà thờ Beth Israel khoảng 24 km về phía tây nam, theo Cục Liên bang về Các nhà tù.

Akram tuyên bố rằng ông và người phụ nữ sẽ "đi đến Jannah (thiên đường theo tín ngưỡng của người Hồi giáo) sau khi gặp cô ấy".

Hồng Ngọc

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan