Hối hận khi bỏ Vũ Hán về Anh

Những khách du lịch Anh từng vui mừng rời Trung Quốc giữa đại dịch, nay lại ước đang ở Vũ Hán khi thành phố gỡ phong tỏa. Như nhiều công dân Anh từng mắc kẹt tại Vũ Hán, ổ dịch lớn nhất của Trung Quốc, đường về nhà là hành trình khó khăn với Anthony May-Smith. Anthony […]

Như nhiều công dân Anh từng mắc kẹt tại Vũ Hán, ổ dịch lớn nhất của Trung Quốc, đường về nhà là hành trình khó khăn với Anthony May-Smith. Anthony điên cuồng lao đi giữa thành phố bị phong tỏa vào tháng 1, đến sân bay để đón chuyến bay giải cứu vào phút chót.

Mọi người từ Vũ Hán trở về đều phải trải qua hai tuần cách ly tại bán đảo Wirral, phía tây bắc nước Anh. Nhưng trở lại những ngày bình thường chưa được bao lâu, Anthony lại phải sống trong vòng phong tỏa. Anh chưa bao giờ tưởng tượng có ngày Anh phải phong tỏa toàn quốc.

“Nó chỉ khiến bạn suy ngẫm, liệu mọi rắc rối chúng tôi phải vượt qua để trở về, có thực sự đáng không?”, anh nói.

Trước khi Covid-19 bùng phát, Anthony đến Vũ Hán thăm bạn gái, Jenny, và được mời dạy tiếng Anh tại đó. Giờ anh đang lái xe tải và thường xuyên ngủ trong xe của mình để tránh nguy cơ lây virus cho ông bà ở nhà.

“Tôi chỉ ước mình đừng quay về. Nếu vậy, giờ tôi hẳn sẽ vừa kết thúc phong tỏa, thay vì đâm đầu vào tình cảnh như hiện nay”, Anthony than vãn.

180 1 Hoi Han Khi Bo Vu Han Ve Anh

Anthony May-Smith và bạn gái Jenny. Ảnh: Guardian.

Anthony không phải người duy nhất nghĩ vậy. Matt Raw, 38 tuổi, là một trong những người lên chuyến bay giải cứu của chính phủ. Matt hiện sống ở thị trấn Knutsford, Cheshire, Anh và cho hay, nếu biết trước đại dịch bùng phát ở quê nhà, anh sẽ ở lại Trung Quốc.

“Cảm giác ấy như thể tôi vừa nhảy khỏi nồi nước sôi, lại lao vào đống lửa. Chúng tôi đã sai lầm khi quay về đây, lẽ ra tất cả nên ở lại Trung Quốc”, Matt nói. Trước khi đại dịch lây lan, anh đang sống tại Vũ Hán cùng vợ, Ying, và mẹ đẻ, Hazel, 75 tuổi, mắc chứng mất trí nhớ.

Matt cho rằng chính phủ “hành động chậm trễ” và ngạc nhiên khi những người bay đến Anh không hề bị cách ly. “Hàng ngày tôi chỉ ngồi xem những tin tức ngoài sức tưởng tượng. Mục đích cách ly chúng tôi là gì?”, anh bày tỏ.

Dù vậy, anh cảm thấy may mắn khi được sống qua những ngày phong tỏa trong căn nhà rộng rãi có vườn cây, trong khi căn hộ ở Vũ Hán chật hẹp, và thiếu ánh sáng tự nhiên – như nhiều chung cư trong thành phố của Trung Quốc.

“Chúng tôi đã quyết định dựa vào những thông tin mình có vào thời điểm đó. Ngẫm lại thì tôi ước chúng tôi ở lại đấy, nhưng cũng thật tốt khi trở về đây”, Matt tâm sự.

Trong khi đó, Jeff và Sindy Siddle, hiện đang sống ở Prudoe, Northumberland, cũng tự hỏi liệu rời Vũ Hán có phải là quyết định đúng đắn hay không. Đôi vợ chồng này cùng cô con gái 10 tuổi, Jasmine, đang về thăm gia đình của Sindy tại một ngôi làng ở Hồ Bắc, cách Vũ Hán ba giờ lái xe, khi lệnh phong tỏa có hiệu lực vào 23/1.

180 2 Hoi Han Khi Bo Vu Han Ve Anh

Vợ chồng Jeff và Sindy cùng con gái Jasmine. Sindy suýt không được phép lên chuyến bay giải cứu của chính phủ Anh vì sở hữu hộ chiếu Trung Quốc. Ảnh: Guardian.

Nhưng cả hai đã quyết định về nhà là điều tốt nhất mình có thể làm, bất chấp hành trình ác mộng họ đã phải trải qua. “Ở đây, chúng tôi có thể ở nhà và làm việc mà không gặp vấn đề gì. Và Jasmine cũng có thể làm bài tập của trường. Trong khi ở Vũ Hán tôi chỉ lo con bé sẽ là học sinh duy nhất nghỉ học trong một thời gian dài, nhưng giờ mọi đứa trẻ đều vậy, tôi nhẹ nhõm hơn nhiều”, Sindy bộc bạch.

Điều tích cực nhất gia đình này đã rút ra từ những khó khăn ở Vũ Hán chính là sự chuẩn bị cho đại dịch ở Anh. “Tôi nghĩ chúng tôi chắc chắn cẩn trọng hơn nhiều người ở Anh, vì chúng tôi đã trải qua điều đó”, Jeff nói. Vợ chồng anh rất lo lắng về dịch bệnh nên ít ra ngoài hơn so với bạn bè và người thân, không đi quá khoảnh vườn và chỉ tới siêu thị một lần mỗi tuần để lấy đồ đặt sẵn.

Chris Hill, 38 tuổi, gặp tình cảnh tương tự như gia đình Jeff vì Bộ ngoại giao Anh không thể xác nhận vợ và con gái 4 tuổi của anh, đều mang quốc tịch Trung Quốc, có thể lên chuyến bay về nước hay không.

“Tôi quyết định ở lại vì không muốn mạo hiểm rời bỏ vợ con. Tôi chùn bước vài lần và hối hận. Nhưng tôi biết lệnh phong tỏa sẽ không kéo dài mãi mãi”, Chris nói. Anh là một giáo viên tiếng Anh, đã sống ở Vũ Hán 12 năm.

Sau 76 ngày mắc kẹt bên trong thành phố với những lệnh hạn chế đi lại vẫn còn hiệu lực, giờ Chris có thể tự tin mình ở Trung Quốc thì tốt hơn. “Tôi vẫn mừng vì quyết định không rời đi”, anh nói.

Bảo Ngọc (Theo Guardian)


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan