Javert và "hội chứng thượng tôn pháp luật”

Vụ án “bán con” ở Trà Vinh đang trở thành một thứ nước rửa ảnh cho rất nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là về quan niệm luật pháp ở không ít người trong xã hội hiện nay ở ta. Trong tình huống ấy, nhân vật Javert của tác phẩm lừng danh “Những người khốn khổ” của V. Hugo đột ngột trở lại trong tâm trí tôi, và chưa bao giờ rõ nét đến thế.

1 Javert Va Hoi Chung Thuong Ton Phap Luat

Có lẽ hiếm ai trong chúng ta không biết đến nhân vật nổi tiếng này, vì nó xuất hiện trong một tác phẩm vĩ đại và còn được học trong chương trình phổ thông nữa. Tôi vẫn cho rằng, giáo dục nhà trường đã chưa mô tả đúng về Javert khi dựng lên trước mắt học sinh chân dung một kẻ chỉ có sự xấu xa, độc ác, máu lạnh đến tột cùng.

Không, Javert là một người có lẽ sống.

Trong thế giới này xưa nay để tìm được một người nào đó “thượng tôn pháp luật” bậc nhất thì hẳn Javert phải là người đó. Pháp luật là tất cả, đối với Javert chỉ có đúng luật và sai luật. Đúng luật là người tốt, sai luật là người xấu; sai thì dứt khoát phải bị trừng trị. Đây chính là lý do Javert đã dành cả đời để săn đuổi Jean Valjean bởi những sự “phạm pháp” trong quá khứ của con người mà bây giờ đã trở thành mẫu hình lý tưởng này.

Từ chỗ chỉ biết có pháp luật với hai chữ đúng/ sai, Javert trở thành một “nô lệ của luật pháp”, như Hugo viết.

Hắn không cần biết đến hoàn cảnh, đến số phận hay bất cứ cái gì khác trên đời. Điều duy nhất mà hắn quan tâm là đương sự có vi phạm vào điều luật nào hay không, dù đó là kẻ nghèo khốn, người vô gia cư, thị trưởng hay chính là cha mẹ mình. Một kẻ đang hấp hối cũng phải bị giải đi nếu kẻ đó từng phạm pháp; một người vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho đàn cháu đang đói khát cũng dứt khoát phải nhận án tù khổ sai, vì luật quy định thế!

Cuộc đời Javert, ngoài pháp luật ra thì không còn bất cứ thứ gì khác nữa cả.

Là một công chức mẫn cán, chỉ biết chấp pháp và yêu cầu chấp pháp, hết. Hắn không đàn hát, không rượu chè, không gái gú, không gì cả. Toàn bộ lý tưởng và ý nghĩa cuộc đời của Javert chỉ là “thượng tôn pháp luật”.

Chính vì cái lý tưởng và lối sống tuyệt đối này của mình mà Javert đã trở nên một kẻ máu lạnh, một cỗ máy không có linh hồn, một con “chó nhà lai chó sói” chỉ biết săn đuổi và trừng phạt. Hugo viết, đại ý, cái làm cho hắn còn trông giống con người chính là việc hắn còn thói quen hút thuốc.

Nhà trường phổ thông khi dạy tác phẩm “Những người khốn khổ” của Hugo đã không mấy khi nói đủ về nhân vật đặc biệt này. Cái “cảm hứng phê phán” khiến người ta vẽ lại chân dung Javert một cách hoàn toàn méo mó và kinh tởm mà quên mất không nói cho học sinh biết rằng, Javert không sai về luật pháp, thậm chí là một con người tận tụy, khách quan và trung thực tuyệt đối.

Nhưng thầy cô giáo lại cũng quên không dạy cho học sinh biết rằng mỗi khi chúng ta viện đến pháp luật thì đồng thời phải đặt nó trong toàn bộ bối cảnh, hoàn cảnh và lịch sử của câu chuyện mà đương sự thuộc vào. Cuộc sống và con người không phải chỉ có đúng sai, trắng đen, phải trái... như những vật vô tri hay những xác chết vô hồn. Bên cạnh pháp lý còn có đạo lý, bên cạnh cái đúng còn có cái tốt, bên cạnh cái thật còn có cái đẹp...

Con người không nên được quan niệm như những vị thánh, càng không thể coi như những đồ vật vô tri. Cuộc sống và con người phức tạp vô cùng, không thể quy giản nó về những thứ thước tấc quá đơn sơ. Javert là nạn nhân của chính cái lý tưởng sống “thượng tôn pháp luật” một cách vô hồn như vậy.

Và chúng ta đã biết, vì thế, hắn trở thành nhân vật phản diện điển hình của văn học lãng mạn, bởi tất cả những cái ác độc mà hắn đã gây ra – nhân danh pháp luật. Đây cũng chính là điều làm cho Javert và Jean Valjean trở thành đối lập: Javert tuyệt đối chấp hành pháp luật, và vì thế hắn trở thành kẻ ác máu lạnh khi nào không hay.

Luật pháp của Javert là luật pháp không có con người. Và bởi vì không có con người cho nên càng đúng bao nhiêu nó càng trở nên đáng sợ và thậm chí mang linh hồn quỷ dữ bấy nhiêu.

Phải chăng vì không được dạy một cách đầy đủ như thế và chỉ dồn hết tâm huyết để “đấu tố” một cá nhân (Javert) mà ngày nay không ít người đã mất đi cái khả năng rung cảm trước con người, mất đi năng lực sống như một con người lành mạnh vừa có lý trí tỉnh táo, vừa có trái tim ấm áp được dẫn dắt bởi một tinh thần nhân văn khai phóng rộng mở để bao dung?

Như chúng ta đã biết, cuối cùng Javert đã chọn cái chết.

Bản thân cái chết này cũng cực kỳ thú vị và đáng để mổ xẻ, chỉ tiếc rằng không có đủ thì giờ. Một cách văn tắt: Javert đại diện cho pháp luật, quyết truy đuổi kẻ phạm pháp cho đến khi chính kẻ phạm pháp ấy đã tha cho hắn thì hắn mới không tài nào hiểu nổi con người nữa, rằng vì sao một kẻ vi phạm pháp luật lại có thể là một người tốt (tha chết cho hắn) được??

Hắn rơi vào bi kịch của nhận thức và không thể nào tiếp tục chịu đựng nổi nữa sự phá sản của cái lẽ sống “thượng tôn pháp luật” mà hắn đã tôn thờ suốt đời.

Bây giờ hắn không còn biết bấu víu vào đâu để tiếp tục sống khi hắn thấy cái điều mình tin như một tôn giáo kia đã bị lung lay và sụp đổ trước sự vén màn về con người và cuộc sống mà hắn vừa nhận được. Hắn phải tự kết liễu cuộc đời mình để giải thoát khỏi gánh nặng nhận thức này.

Javert là đại diện cho bi kịch của những người mang lẽ sống “thượng tôn pháp luật”, một thứ pháp luật vô hồn, máy móc, lạnh lùng và vì thế, chỉ biết gieo rắc khổ đau. Và chúng ta biết, một cách đầy nghịch lý rằng, càng trong các xã hội lạc hậu, con người càng có xu hướng bị nhiễm độc “hội chứng Javert” để che đi những khiếm khuyết trầm trọng về vận hành xã hội lẫn tình trạng méo mó của tâm hồn và nhân cách con người.

2 Javert Va Hoi Chung Thuong Ton Phap Luat

Nhà trường, khi dạy “Những người khốn khổ” và đặc biệt là khi phân tích Javert phải làm bật được lên khía cạnh bi kịch ấy của nhân vật. Vì cái bi kịch cá nhân này chính là một trong những nguồn cơn của bi kịch xã hội.

Nhà giáo Thái Hạo


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan