Di chứng suốt đời có thể xuất hiện ở một số trẻ mắc Covid-19

Tình trạng sức khỏe hậu Covid-19 vẫn là câu hỏi khó trả lời với giới chuyên gia và nhóm tác giả CDC Mỹ vừa phát hiện thêm ảnh hưởng của nó tới trẻ em.

Nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều nguy cơ cao được chẩn đoán mắc tiểu đường sau hơn một tháng mắc Covid-19 so với nhóm không bị nhiễm bệnh.

Nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 31-166%

Nghiên cứu được công bố ngày 7/1, dựa trên phân tích dữ liệu của hai hệ thống theo dõi sức khỏe IQVIA và HealthVerity. Nhóm chuyên gia đánh giá hàng nghìn bệnh nhân dưới 18 tuổi mắc Covid-19 trong khoảng thời gian từ 1/3/2020 đến 26/2/2021, sau đó, so sánh với nhóm người không nhiễm nCoV nhưng có tiền sử nhiễm trùng đường hô hấp.

Từ đây, họ phát hiện ở cơ sở dữ liệu IQVIA, những đứa trẻ được chẩn đoán mắc Covid-19 trong thời gian nói trên có nguy cơ mắc tiểu đường sau đó cao hơn 166% nhóm trẻ không nhiễm nCoV. Trong khi đó, ở cơ sở dữ liệu HealthVerity, con số này là 31%.

Ngoài ra, trẻ em bị Covid-19 cũng có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn 116% so với những em bé bị nhiễm trùng đường hô hấp nhưng không mắc Covid-19.

1 Di Chung Suot Doi Co The Xuat Hien O Mot So Tre Mac Covid 19

Tiến sĩ Mary Pat Gallagher, Giám đốc Trung tâm Tiểu đường Nhi khoa NYU Langone, khẳng định với CBS News về việc nhóm chuyên gia rất chắc chắn với kết luận một số bệnh nhiễm trùng có thể tạo ra “cơ hội hoàn hảo”, góp phần làm gia tăng khả năng bị tiểu đường.

“Nếu cơ thể đang âm thầm phát triển bệnh tiểu đường, liệu nhiễm các virus, vi khuẩn có thực sự đẩy bạn vào tình trạng phát bệnh sớm hơn không? Chúng tôi đã phát hiện nCoV có thể là một trong số những virus khiến quá trình này xảy ra nhanh hơn nhiều so với các chủng virus khác”, vị chuyên gia nói thêm.

TS Mary cũng chia sẻ họ không có dữ liệu chắc chắn những trẻ em này sẽ mắc bệnh tiểu đường hậu Covid-19. “Có thể hai năm hoặc 5 năm, nhưng nó sẽ đến. Và việc mắc Covid-19 đẩy trẻ tới nguy cơ mắc tiểu đường sớm hơn”, bà nói.

Câu hỏi bỏ ngỏ

Sự gia tăng các chẩn đoán tiểu đường khi Covid-19 xuất hiện là điều mà tiến sĩ Sheela Natesh Magge, Giám đốc khoa Nội tiết nhi tại Đại học Johns Hopkins, cũng đã nhận thấy. “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng bất thường của tình trạng trẻ em mắc tiểu đường. Rất nhiều trẻ bị bệnh này trong đại dịch”, vị chuyên gia cho biết.

Theo TS Magge, nghiên cứu của CDC giúp khẳng định thêm cho giả thuyết về di chứng hậu Covid-19 ở trẻ em. Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia chưa thể trả lời được đó là liệu Covid-19 có phải nguyên nhân chính và duy nhất khiến tỷ lệ mắc tiểu đường sớm ở trẻ em gia tăng hay còn một yếu tố khác mà chúng ta chưa biết đến. Nghiên cứu của CDC không có dữ liệu về yếu tố rủi ro nhân khẩu học có thể góp phần gây tiểu đường như tình trạng sức khỏe trước đó, cân nặng, môi trường sống.

2 Di Chung Suot Doi Co The Xuat Hien O Mot So Tre Mac Covid 19

Tỷ lệ căng thẳng, béo phì ở trẻ em tăng cao trong hai năm qua được cho là yếu tố khiến trẻ mắc tiểu đường sớm cao hơn. Ảnh: Apollo Hospital.

Bà Magge nhấn mạnh thực tế đại dịch đã làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực, căng thẳng và béo phì trong hai năm qua. Đây đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe tổng thể của một người.

Theo vị chuyên gia này: “Một số bằng chứng cho thấy mắc Covid-19 có thể tác động việc tiết insulin. Do đó, chúng tôi khó có thể kết luận nguyên nhân gây ra các tác động khác nhau của đại dịch là gì. Nó có thực sự do virus hay là tất cả yếu tố xã hội khác liên quan?”.

Trước quan điểm này, nhóm chuyên gia của CDC ghi nhận và cho biết đã tìm hiểu khả năng mắc tiểu đường do Covid-19 diễn ra như thế nào. Giả thuyết được đưa ra là các tế bào tuyến tụy bị tấn công trực tiếp. Nhóm tác giả cũng cho biết có khả năng một số bệnh nhân trong nghiên cứu đã bị tiền tiểu đường trước khi mắc Covid-19. Tình trạng này ảnh hưởng 20% thanh, thiếu niên ở Mỹ.

Bà Magge giải thích: “Nếu bạn đã thuộc nhóm nguy cơ, đại dịch có thể làm cho nó trở nên tồi tệ hơn. Ảnh hưởng của bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào cũng khiến lượng đường trong máu tăng cao”.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết những người bị tăng cân hoặc điều trị steroid khi nằm viện chữa Covid-19 có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu và nguy cơ mắc tiểu đường. Tuy nhiên, chỉ 1,5-2,2% những người được nghiên cứu được cho là bị tiểu đường do thuốc hoặc hóa chất. CDC cũng đang nghiên cứu các yếu tố khác liên quan nguy cơ bị tiểu đường và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

3 Di Chung Suot Doi Co The Xuat Hien O Mot So Tre Mac Covid 19

"Không nên quá hoảng sợ"

TS Magge đánh giá kết quả nghiên cứu mới công bố của CDC “rất đáng báo động”, nhất là khi xem xét tác động lâu dài. Bà nhấn mạnh: “Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về loại virus này. Nghiên cứu của CDC một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa, tiêm chủng”.

Theo TS Mary, bị Covid-19 hoặc bất kỳ virus nào khi đang mắc tiểu đường đều khiến khả năng kiểm soát bệnh khó hơn. Đặc biệt, Covid-19 có thể khiến trẻ dễ bị nhiễm toan ceton do tiểu đường cao hơn nhiều lần so với các bệnh virus khác. Nhiễm toan ceton do tiểu đường là trình trạng xảy ra khi không đủ insulin và gan bắt đầu phân hủy chất béo để làm nhiên liệu. Quá trình này tạo ra axit được gọi là ceton, có thể tăng cao và gây nguy hiểm tính mạng.

Nhiều báo cáo chỉ ra các triệu chứng mắc Covid-19 ở trẻ em thường nhẹ hơn và biến chủng Omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn. Song, bà Magge nhận định chúng ta không có thông tin chắc chắn về tác động lâu dài hậu Covid-19, ngay cả triệu chứng của nó cũng vậy.

Bên cạnh đó, TS Gallagher cũng nhấn mạnh chúng ta không nên quá hoảng sợ về kết quả của nghiên cứu mới. Thay vào đó, phụ huynh nên xem nó như một lời nhắc nhở, dùng các biện pháp bảo vệ, tiêm chủng vaccine để trẻ không bị mắc Covid-19.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý tới các triệu chứng mắc tiểu đường ở trẻ dễ khát, đi tiểu nhiều, giảm cân bất thường, nghiêm trọng hơn là buồn nôn, nôn, uể oải, mệt mỏi…

Nguồn: Thiên Nhan/ Zing.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan