Chục ngày nữa kết thúc mùa ra khơi, anh Eric sẽ về nhà ở Việt Nam, nơi có vợ và 3 con sau 6 tháng xa cách. Nhưng Covid-19 tiếp tục chia cắt gia đình anh.
Anh Eric và vợ, chị Trang quyến luyến rời xa trước ngày Việt Nam đóng cửa biên giới 24/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Hôm đó là khoảng 3 giờ sáng, tôi ngồi nhìn chằm chằm vào điện thoại chờ đợi. Khi tiếng chuông vừa vang lên, hai đứa trẻ ngủ ở sofa bật dậy, reo lên bằng tiếng Anh: Bố! và câu tiếp theo là: Khi nào thì bố về nhà?", chị Phạm Thị Thu Trang, 38 tuổi, ở Hội An, chậm rãi kể về "cuộc gặp" mới nhất với chồng, anh Eric Wedel - thuyền trưởng một tàu đánh cá ở bang Alaska, Mỹ.
Đầu dây bên kia, người đàn ông vừa nhìn thấy vợ con đã khóc. Bên này, hai đứa nhỏ khóc theo. Chị Trang cũng phải cố bụm miệng mình kìm nén vì không muốn làm cậu con trai hai tuổi đang ngủ trong phòng cạnh đó thức giấc. Hai tuần chờ mong thấp thỏm, cuối cùng chị và các con mới được nhìn mặt anh Eric qua cuộc gọi video.
Đặc thù công việc nên trung bình nửa tháng anh mới gọi về cho vợ con được một lần, khi cập một hòn đảo nào đó bốc cá xuống. Hầu hết thời gian còn lại anh lênh đênh trên biển và chỉ có thể nhắn tin cho vợ qua vệ tinh. Từ Homer Alaska, anh Eric Wedel, 52 tuổi, chia sẻ với VnExpress:
"Hơn cả nỗi nhớ là nỗi lo khi vợ con đang là là F2 của 'bệnh nhân 842'. 'Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô ấy bị nhiễm và phải đến bệnh viện cách ly? Ai sẽ chăm sóc con cái của chúng tôi? Suy nghĩ đó đã hành hạ tôi suốt những ngày qua".
Anh Eric sinh ra trong dòng họ Wedel với nhiều người làm trong quân đội và bác sĩ. Bản thân anh cũng có 10 năm phục vụ trong quân ngũ trước khi làm thủy thủ. "Với những gì nước Mỹ đã làm ở Việt Nam thời chiến, tôi rất day dứt và luôn muốn bù đắp.
Vì lẽ đó, mỗi năm tôi đều dành một thời gian nhất định ở Việt Nam", anh chia sẻ. Hàng năm, Eric phải ra khơi 6 tháng, thời gian 6 tháng còn lại được nghỉ, anh sẽ đi du lịch. Mùng 2 Tết năm 2017, Eric đang ngồi trong tiệm cà phê cạnh chợ đêm Hội An. Như thói quen nhiều năm, Eric luôn thích ngắm phố phường và người Việt rạng rỡ trong ngày Tết. Một người phụ nữ khuôn mặt tròn đậm chất Á Đông dắt theo hai con gái nhỏ bước vào cửa khiến Eric chú ý.
"Cả ba mẹ con vô cùng xinh đẹp", anh nhớ lại. Người được nhắc đến chính là chị Thu Trang và hai con Hạ My, Hạ Nhi. Quán đông, chỉ có bàn của Eric còn ghế trống nên cô bé Hạ My đã xin ngồi ké trong lúc mẹ đi gọi đồ. Hạ My khi đó mới 8 tuổi nhưng có thể giao tiếng với Eric bằng tiếng Anh, còn chị Trang và con gái gần 3 tuổi ngồi nghe.
Người thuyền trưởng kể về công việc của mình. Anh mở điện thoại cho hai đứa trẻ xem nhiều con vật dưới đại dương, trong đó có con cá nặng 145 kg mình từng bắt được. Từ chỗ xa lạ, Eric kết bạn Facebook và Viber với bé Hạ My, hứa sẽ nói tiếng Anh cùng bé.
Những ngày tiếp theo, họ cùng nhau đi chơi quanh Hội An, Đà Nẵng hay khám phá Cù Lao Chàm. Qua Hạ My, Eric biết chị Linh là một bà mẹ đơn thân. Tới một ngày đã thân thiết với hai đứa trẻ, anh hỏi: "Tôi muốn làm bố của các cháu có được không?". Hai cô bé hớn hở đồng ý.
Anh Eric với Hạ My và Hạ Nhi, con chị Trang, những ngày đầu mới quen nhau năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thân thiết với hai bé, Eric tiếp tục lấy được thiện cảm của bố mẹ chị Trang qua những buổi tới thăm nhà. Sau ba tuần quen nhau, anh ngỏ lời yêu chị.
Tuy nhiên, anh bị từ chối. Chị Thu Trang bước ra khỏi cuộc hôn nhân cũ khi còn mang bầu bé thứ hai. Thấy người đàn ông ngoại quốc chịu nói chuyện với con mình, người mẹ chỉ nghĩ đây là cơ hội để con luyện tiếng Anh. "Tôi đâu biết anh ấy lại để ý mình", chị nhớ lại.
Cảm mến vì anh hài hước, tốt bụng, chị cũng không dám tiến tới sau một lần đổ vỡ. Ngày về nước, vẫn chưa chinh phục được người phụ nữ Việt, Eric chẳng ngại một lần nữa thổ lộ tình cảm với chị giữa sân bay. Đến lúc này chị Trang mới nhận lời làm bạn với anh. Về Mỹ ngày 6/3, lẽ thường Eric sẽ chuẩn bị các việc cần thiết cho mùa ra khơi tháng sau. Song ngày 21/3, anh bất ngờ quay trở lại Việt Nam.
"Tôi chỉ nghĩ anh ấy về để xin phép cha mẹ được qua lại với tôi. Không ngờ 3 ngày sau thì hồ sơ kết hôn đã được đại sứ quán hợp thức hóa gửi thẳng về nhà bố mẹ tôi", chị Trang kể. Từ hôm đó ngày nào Eric cũng giục chị đi đăng ký kết hôn. Con gái lớn cũng ra rả bên tai mẹ, khuyên mẹ đồng ý.
Nhưng chị Thu Trang lo. Bản thân chị không thạo tiếng Anh, chưa ra khỏi Việt Nam bao giờ. Người đàn ông này chị cũng chưa hiểu rõ. "Lo lắng nhất là hai con. Tôi sợ kết hôn thì các con sẽ thế nào", chị bày tỏ. Khi biết được nỗi lòng của chị, Eric giải đáp mọi thắc mắc về tương lai của những đứa con và việc không muốn định cư ở Mỹ. "Tôi sẽ nghỉ hưu vào năm 2022 và sống ở Việt Nam để có thể được bên con gái lớn trước khi con tốt nghiệp trung học. Tôi muốn được hàng ngày đưa con gái nhỏ đến trường.
Cha mẹ em đã già, tôi muốn được phụng dưỡng họ", anh chia sẻ. Họ làm lễ đính hôn ngày 10/4. Ngay hôm sau Eric về nước. Trước lúc về, anh viết 27 tấm thiệp cho 27 tuần xa nhau và nhờ con gái mỗi tuần mua một giỏ hoa, đặt thiệp vào đó tặng mẹ.
Vợ chồng anh Eric và chị Trang kết hôn tháng 11/2017 và đã có thêm con trai gần 2 tuổi. 6 tháng người cha ở nhà là thiên đường với 3 đứa trẻ. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Kể từ đó, nửa năm Eric đi xa là nửa năm cả nhà phải sống trong nỗi nhớ. Hàng ngày anh nhắn tin cho vợ qua điện thoại vệ tinh và gửi định vị, phòng trường hợp bất trắc để vợ con biết vị trí cuối cùng của mình.
Chỉ khi nào lên nhà máy cá trên đảo, anh mới có thể gọi video về nhà. Vì vậy, mấy mẹ con luôn trong trạng thái chờ đợi bố có thể gọi về bất cứ lúc nào. Năm ngoái, Eric gọi điện và nhắn tin về không được do chị Trang không cầm theo điện thoại. "Tôi mất liên lạc với anh ấy ba ngày. Thuyền của anh gặp một cơ bão lớn.
Tôi vô cùng hối hận và tự trách mình", chị kể. May mắn, thuyền của Eric vượt qua được cơn bão, nhưng một thuyền nhỏ bị đắm, 3 thủy thủ thiệt mạng.
Năm nay, theo kế hoạch Eric sẽ về Mỹ vào 30/4, nhưng cặp vợ chồng phải chia tay nhau sớm hơn, từ 24/3 - ngày Việt Nam đóng cửa biên giới. Mùa cá năm nay rớt giá. Tận tháng 6, anh vẫn phải chờ công ty đưa ra quyết định ra khơi.
Lúc nghe Việt Nam có thể mở lại đường bay thương mại vào tháng 8, anh đã định sẽ bay sang một nước thứ 3 chờ Việt Nam mở cửa sẽ bay về. Song, ngày 25/7 Việt Nam ghi nhận có bệnh nhân Covid-19 mới sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đường về nhà của Eric ngày càng xa...
Anh Eric vừa cập cảng Homer Alaska. Anh từng trải qua một cuộc hôn nhân trước khi đến với chị Trang. Trong hình là anh và con trai - người nối nghiệp cha, cùng làm việc trên một con tàu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngày 9/8, bốn mẹ con chị Trang trở thành F2 và nhận quyết định cách ly tại nhà do liên quan đến "bệnh nhân 842". Chị thêm lo khi cả 3 đứa trẻ đều ho, sổ mũi, không đêm nào dám ngủ vì phải canh xem con có sốt không. Không thể ở bên người thân yêu lúc khó khăn nhất, Eric Wedel đau xót và cảm thấy bất lực.
Nỗi sợ xâm lấn mỗi đêm. Ngày 16/8, ngay tại phường Cẩm An, chỉ cách nhà của vợ chồng Eric 500 m ghi nhận "bệnh nhân 961".
Nghe tin đó, lòng anh như lửa đốt. Vợ chồng anh Eric kinh doanh villa ở Hội An, quán cà phê ở Tam Kỳ và một công ty khẩu trang ở Mỹ. Kết thúc mùa cá năm nay, họ có nhiều dự định. Vết thương ở chân do tai nạn trên thuyền 4 năm trước tái phát, Eric buộc phải mổ. Anh đã đặt lịch mổ vào tháng 10 tại Đà Nẵng và mời bác sĩ Mỹ bay sang.
Hiện giờ, chị Trang và 3 con đã nhận xét nghiệm âm tính và đang chờ 2 lần âm tính từ F1 của họ thì mới dám yên tâm. Bốn mẹ con đang cố gắng tìm niềm vui trong những ngày cách ly. Hạ My biết chơi đàn nên thường đàn cho các em múa hát. Chị Trang trồng hoa, gieo hạt giống, làm giàn bầu bí để khi chồng về sẽ nấu cho anh được nhiều món Việt. Còn Eric, hàng tuần đều gửi thư lên đại sứ quán Việt Nam ở Washington D.C.
"Tôi không phải là khách du lịch. Tôi sống ở Việt Nam, sở hữu doanh nghiệp và có gia đình. Nhà nước có thể cho chúng tôi một chút hy vọng khi nào sẽ được phép quay trở lại không? Tôi rất sẵn lòng trả tiền cách ly và xét nghiệm tại Việt Nam chỉ để về nước", anh tha thiết.
Phan DươngNguồn: vnexpress.net