Chuyện những người rời Hà Nội khi Tết cận kề, nhưng không về quê...

Mặc những ồn ào của xã hội về nghề y, tạm gác lại lo toan của gia đình khi ngày Tết cổ truyền đã cận kề, những thầy thuốc không thể rời tiếng bíp bíp của máy thở. Bệnh nhân vẫn cần họ...

1 Chuyen Nhung Nguoi Roi Ha Noi Khi Tet Can Ke Nhung Khong Ve Que

Chị Vũ Thị Thanh cùng thảo luận với đồng nghiệp về bệnh nhân nặng ngay bên giường bệnh. Ảnh: BSCC

Một tháng nay, TS Vũ Thị Thanh cùng 30 thầy thuốc của BV Bạch Mai đã tạm xa Hà Nội. Đến với An Giang, một tỉnh thuộc miền Tây, cách nhà hơn 1.500 km, tham gia điều trị bệnh nhân COVID. Họ tạm biệt cái rét ngọt của miền Bắc để đến với nắng, gió vùng sông nước.

"Cuộc sống khác"

BV Bạch Mai đã cử thầy thuốc có kinh nghiệm chống dịch, điều trị COVID-19 đến với An Giang. Họ đều là những "chiến binh" trải qua các đợt dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, TP.HCM… Và nay, khi Tổ quốc cần, các thầy thuốc lại tiếp tục lên đường. TS Vũ Thị Thanh từng ở tâm dịch Đà Nẵng năm 2020.

"Ngày đó sợ lắm, không như bây giờ, vì là bệnh mới và chưa được tiêm vaccine. Nay đồng nghiệp đã có kinh nghiệm, mình lại được rèn luyện nên xung phong đi vào đây", chị Thanh mở đầu câu chuyện.

Vào An Giang, chị chỉ mang theo vài bộ đồ và một số vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết. Nhiệm vụ của chị Thanh là đưa ra phác đồ dinh dưỡng nâng cao thể trạng bệnh nhân ngay từ khi đang trên giường bệnh. Để làm được điều này, chị cùng bác sĩ điều trị phải thăm khám từng bệnh nhân cùng thảo luận để kết hợp giữa thuốc điều trị và dinh dưỡng.  "Kinh nghiệm của các trận dịch vừa qua cho thấy, dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID nặng là rất quan trọng để họ có đủ sức chống lại các diễn biến rất nhanh của các cơn suy hô hấp", chị Thanh nói. Đến khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng mới thấu hiểu cường độ làm việc cực nhọc của thầy thuốc. Mỗi khi có tín hiệu báo động, các y, bác sĩ đã xác định được ngay phương hướng và lập tức di chuyển nhanh nhất đến giường bệnh đó.  "Ở đây chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian mới cứu sống được người bệnh. Khi xử lý khẩn cấp các ca bệnh này thì hơi nước làm mờ kính chắn bảo hộ rất khó nhìn và mồ hôi cũng ướt sũng quần áo suốt ca trực… Nhưng không sao cả, mọi người vẫn làm việc hết mình và không một lời than phiền hay một câu giá như vì đã… tình nguyện vào đây!", chị Thanh chia sẻ.

 2 Chuyen Nhung Nguoi Roi Ha Noi Khi Tet Can Ke Nhung Khong Ve Que

Mỗi ca trực của thầy thuốc làm trong 8 giờ. Với trang phục phòng hộ cá nhân cấp 4 nóng nực ở nơi nhiệt độ luôn ở 30 độ C, họ đi đến từng giường, theo dõi bệnh nhân từng phút

Trên những tờ giấy điều động công tác đều bỏ trống thông tin ngày về nhưng không một ai trong đoàn Bạch Mai ở An Giang và các vùng dịch bận lòng vì điều đó. Nén lại những tình cảm ruột thịt để tập trung cho "cuộc sống khác" để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người.

Trong số những bác sĩ, điều dưỡng đã có người có kinh nghiệm sống và làm việc từ những lần dịch trước và có những người đây là trải nghiệm đầu tiên.

Tuy vậy, họ không hề nao núng và bỡ ngỡ. Có mặt tại An Giang là bắt tay ngay vào thiếp lập, sắp xếp công việc cũng như cuộc sống trong gọn gàng. Sáng sớm, thầy thuốc của Bạch Mai trong kíp trực đã có mặt tại khu điều trị của BV Trung tâm An Giang – nơi điều trị bệnh nhân nặng nhất của tỉnh này. Từng lớp đồ bảo hộ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được mọi người thuần thục mang lên người thận trọng. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự.

Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở, nguy cơ xâm nhập của virus vào cơ thể mình rất cao. Mỗi kíp sẽ làm việc 8 tiếng.

Do là bệnh nhân nặng nên chuyển biến liên tục, có những lúc hồi sức bệnh nhân này xong thì lại đến bệnh nhân khác luôn. Trực tiếp điều trị chăm sóc, đặc biệt là chứng kiến những người bệnh bị mắc COVID - 19 nặng tại đây, nằm trên giường bệnh xung quanh toàn ống thở mà không có người thân nào chăm sóc, động viên mới thấy trân quý những người thầy thuốc.

Sáng sớm hay đêm khuya, những người trong kíp trực không ai được phép rời mắt khỏi người bệnh, luôn theo dõi, giám sát, kiểm tra, thăm khám để biết chính xác tình trạng của từng bệnh nhân … Không chỉ bằng chuyên môn mà người thầy thuốc còn phải huy động hết các giác quan để nhận biết tình hình người bệnh.

Từng tiếng ho, cái nắm tay, ánh mắt đều được thầy thuốc hiểu rõ. Những cố gắng, nỗ lực của các thầy thuốc đã được đền đáp xứng đáng khi ngày càng nhiều người bệnh COVID-19 được khỏi bệnh.

Mỗi ngày góp 1 niềm vui

Bệnh viện Bạch Mai đã cử 2 đoàn công tác gồm 30 bác sĩ, điều dưỡng đều là những người có kinh nghiệm tham gia chống dịch tại các điểm nóng trực tiếp vào hỗ trợ An Giang điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Nhân lực này được chia đến 3 Bệnh viện có Trung tâm ICU - là nơi điều trị các bệnh nhân nặng gồm BVĐK Trung tâm An Giang, BVĐK Tân Châu, BVĐK khu vực tỉnh An Giang, BVĐK Châu Đốc.

Thầy thuốc của Bạch Mai đã cùng cán bộ y tế tuyến dưới, thực hiện phân tầng điều trị, sàng lọc bệnh nhân theo đúng tình trạng của người bệnh. Đây là yếu tố tiên quyết để tránh xung đột về nhân lực, không gây quá tải về cơ sở, trang thiết bị, nhân lực, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng tầng 1 và tầng 2 phải chuyển lên tầng 3, giảm áp lực cho tầng trên và giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Nói về sự hỗ trợ hiệu quả của đoàn thầy thuốc BV Bạch Mai, TS.Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang đánh giá cao sự hỗ trợ hết mình và hiệu quả của đoàn chuyên gia.  Không chỉ trong đợt dịch này, An Giang mong muốn Bạch Mai tiếp tục giúp đỡ y tế địa phương nâng cao năng lực chuyên môn hồi sức cấp cứu.

Thường xuyên kết nối các Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của địa phương được hội chẩn trực tuyến với chuyên gia BV Bạch Mai nhằm nâng cao năng lực y tế của địa phương.

Nhằm giảm dần các ca tử vong, TS. Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Trưởng đoàn công tác BV Bạch Mai tại An Giang đã đề xuất một số giải pháp cải tạo cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý trong điều trị người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch. PGS. TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc phụ trách quản lý, điều hành BV Bạch Mai đã trực tiếp vào An Giang thị sát việc điều trị bệnh nhân đồng tình với các kiến nghị, đề xuất từ địa phương.

Tới đây, Bạch Mai sẽ hỗ trợ, hợp tác toàn diện trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hiện đại tại chỗ (ECMO, lọc máu…), tư vấn cải tạo hệ thống oxy, khí nén, kết nối các Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của tỉnh với hệ thống hội chẩn trực tuyến tại BV Bạch Mai …

Vỹ thanh của bác sĩ Thanh

"COVID-19 là một cuộc chiến đặc biệt chưa hề có tiền lệ, không có tiếng súng, chỉ có tiếng monitor, máy thở. Đại dịch này đã làm thay đổi và cướp đi quá nhiều thứ, để lại không ít đau thương và mất mát. Nhưng bên cạnh những mất mát, đau thương, chúng tôi đã có những niềm vui không nhỏ khi hàng ngày có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện, về nhà và chúng tôi biết những nỗ lực của mình không vô ích…

Trước sự khắc nghiệt của dịch bệnh và bạo bệnh, sinh mệnh con người chỉ mong manh như ngọn đèn trước gió, mỗi cán bộ y tế chúng tôi không chùn bước để bảo vệ an toàn cho mỗi người dân, giành lại sự sống cho người bệnh".

Anh Văn

Nguồn: suckhoedoisong.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan