Bác sĩ điều trị Covid-19: 'Tôi về nhà trong nước mắt'

Cuối mùa hè, cô cân nhắc việc rời bỏ ngành y. Song, là một người mẹ đơn thân với con trai 11 tuổi, cô nói: "Tôi cần làm bác sĩ để trang trải nuôi con".

132 1 Bac Si Dieu Tri Covid 19 Toi Ve Nha Trong Nuoc Mat

Bác sĩ lão khoa Shannon Tapia. Ảnh: NY Times.

Khoảng 2 giờ một đêm hè oi ả, bác sĩ Orlando Garner thức giấc vì nghe thấy tiếng động mạnh bên cạnh cũi của con gái.

Anh bật dậy và thấy vợ mình, Gabriela, đã ngất xỉu. Trán cô nóng bừng vì một cơn sốt, giống với con trai mình chỉ vài giờ trước đó. Hai ngày tiếp theo, các triệu chứng tương tự ập đến với con gái họ, Veronica.

Gần 5 tháng sau, bác sĩ Garner vẫn ám ảnh bởi những gì xảy ra với gia đình mình. Anh đã vô tình đem Covid-19 về nhà, khiến các thành viên còn lại nhiễm bệnh.

"Tôi cảm thấy rất tội lỗi. Đây là công việc của tôi, những gì tôi làm để kiếm sống. Nhưng nó có thể giết chết vợ và các con tôi", anh chia sẻ.

Những tháng gần đây, khi số ca nhiễm nCoV tại Texas gia tăng một lần nữa, cơn ác mộng của anh lặp lại. Anh sợ rằng con mình sẽ tử vong vì Covid-19. Anh tiếp tục trực 80 giờ mỗi tuần trong phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Baylor, mặc nhiều lớp áo bảo hộ, đeo mặt nạ phòng độc N95 và mang kính che mặt. Bộ đồ khiến anh phải hét lên để nói chuyện với đồng nghiệp.

Điều trị lượng lớn bệnh nhân, nỗi sợ tái nhiễm virus thường trực trong tâm trí anh, dù đây là hiện tượng hiếm gặp. "Đây có phải người sẽ lây Covid-19 cho mình một lần nữa?", anh nghĩ mỗi khi khám bệnh cho một ai đó.

132 2 Bac Si Dieu Tri Covid 19 Toi Ve Nha Trong Nuoc Mat

Bác sĩ Orlando Garner, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Baylor. Ảnh: NY Times

Đội ngũ y bác sĩ chiến đấu trong cả hai làn sóng đại dịch quét qua Mỹ không thay đổi. Họ được điều động từ vị trí này sang vị trí khác để ứng phó với sự hoành hành của virus. Nhưng khi số ca nhiễm và tử vong phá kỷ lục, báo hiệu một năm chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ, chính những người có sứ mệnh chăm sóc bệnh nhân đứng trước bờ vực sụp đổ tập thể.

Trong các cuộc phỏng vấn, hơn 20 nhân viên y tế tuyến đầu cho biết trạng thái căng thẳng kéo dài đã trở thành một phần của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Ngày càng nhiều y bác sĩ cảm thấy lo lắng, trầm cảm, vô vọng hoặc mệt mỏi kinh niên vì thái độ ung dung của nhiều người Mỹ. Theo khảo sát, tỷ lệ tự tử đã tăng cao. Một số người phải trị liệu hoặc uống thuốc để đối phó, số khác lo sợ rằng điều trị tâm lý sẽ ảnh hưởng lên hồ sơ xin việc sau này của họ.

Đối với những người khác, Covid-19 là cuộc chiến chưa từng có phút nghỉ.

"Chúng tôi phải hy sinh rất nhiều với tư cách là người chữa bệnh, đó là sức khỏe của chính chúng tôi và gia đình mình. Nhưng tôi cảm thấy dường như cái chết của 20.000 bệnh nhân ở New York là vô nghĩa với một số người", bác sĩ Cleavon Gilman, khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Yuma, bang Arizona, chia sẻ.

Anh bắt đầu công việc của mình khi đại dịch mới khởi phát. Anh từng có thời gian làm bác sĩ quân đội tại một bệnh viện ở Iraq năm 2004. "Trong quân ngũ, họ huấn luyện bạn ngủ ít, đi bộ đường dài và hành quân. Bạn rèn luyện cơ thể mình, chiến đấu với kẻ thù. Trong đại dịch, tôi bắt đầu chạy mỗi ngày để phổi khỏe mạnh, phòng trường hợp nhiễm virus. Tôi đặt một cái thùng bên cửa và bỏ quần áo vào, tránh lây bệnh cho gia đình", anh kể lại.

Cuộc khủng hiện tại hóa ra lại là kẻ thù xa lạ và đáng gờm hơn rất nhiều, theo anh khắp ngõ ngách. Ở đỉnh dịch, anh sợ hãi khi gọi điện cho các gia đình không thể ở bên cạnh người thân đang bị bệnh. Anh nghe thấy "cùng một tiếng kêu khóc chói tai, hai hoặc ba lần mỗi ca trực". Nhiều tháng hỗn loạn, đau khổ và xót xa đã khiến vị bác sĩ từng chiến đấu trong quân ngũ suy sụp, chán nản, kiệt sức.

"Tôi trở về nhà trong nước mắt và ngất lịm đi", anh nói.

Đại dịch đã khiến Gilman phải hủy bỏ đám cưới của mình hồi tháng 5. Lễ tốt nghiệp chương trình bác sĩ nội trú của anh tiến hành trên ứng dụng gọi video Zoom. Anh ăn mừng một mình trong căn hộ trống rỗng, bên cạnh hàng đống hộp đồ.

"Đó là khoảnh khắc buồn nhất từ trước đến nay", anh nói.

132 3 Bac Si Dieu Tri Covid 19 Toi Ve Nha Trong Nuoc Mat

Bác sĩ Cleavon Gilman, khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Yuma, bang Arizona. Ảnh: NY Times.

Trong vòng vài tuần, anh cùng cả gia đình chuyển đến Arizona, nơi số ca nhiễm bắt đầu giảm. Lúc này, bác sĩ Gilman được thư giãn đôi chút.

Anh chia sẻ những trải nghiệm của mình trên trang cá nhân. Các bài đăng trở nên phổ biến. Anh dành nhiều lời tưởng nhớ đến những đồng nghiệp đã cống hiến và hy sinh suốt 9 tháng qua để ngăn chặn từng đợt sóng đại dịch. Gilman nói rằng đây là cách anh cảm nhận sự hỗn loạn của thế giới trong gần một năm. Anh không chỉ chiến đầu với bản thân virus, mà cả sự lây lan của thông tin sai lệch. "Đó là một cuộc chiến dài không có hồi kết", anh nói.

Nhiều nhân viên y tế đã đạt đến giới hạn kiệt quệ, không còn đủ sức chống chọi với căn bệnh đã giết chết hơn 1.000 đồng nghiệp.

Susannah Hills, một bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Columbia, chia sẻ: "Tôi thậm chí chẳng thể nghĩ ngày hôm nay của mình thế nào. Tôi không nhớ lần cuối cùng có ai hỏi thăm tôi về điều này".

Đối với bác sĩ lão khoa Shannon Tapia, tháng 4 và tháng 5 là khoảng thời gian tồi tệ. Tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Colorado nơi cô làm việc, 22 người đã chết trong vòng 10 ngày. "Sau đó thì tôi chẳng buồn đếm nữa", cô nói. Tình hình sáng sủa hơn vào mùa hè.

Nhưng trong những tuần gần đây, virus đột ngột bùng phát trở lại, khiến nhiều người cao tuổi trong viện dưỡng lão gục ngã. "Điều này tồi tệ hơn rất nhiều so với mùa xuân. Covid-19 đang khuynh đảo ở Colorado ngay lúc này", cô nói.

Bác sĩ Tapia chứng kiến các cơ sở chăm sóc phải vật lộn để co kéo số thiết bị bảo hộ trong kho. Cô cho rằng lượng xét nghiệm không đầy đủ. Hồi đầu tháng 11, cô phải mất hơn một tuần mới có được kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân, khiến virus lây lan âm thầm trong khu nhà ở của những người cao tuổi lưu trú tại đây.

132 4 Bac Si Dieu Tri Covid 19 Toi Ve Nha Trong Nuoc Mat

Bác sĩ lão khoa Shannon Tapia. Ảnh: NY Times.

Tính đến ngày 30/11, Mỹ có hơn 13 triệu ca nhiễm và hơn 270.000 trường hợp tử vong vì Covid-19. Nước này vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, hơn Ấn Độ, Brazil và Nga. Sau một mùa hè nới giãn cách xã hội, dịch bệnh quay trở lại, có xu hướng lan rộng hơn hồi mùa xuân.

Đã từ rất lâu, y bác sĩ Mỹ không còn nghe thấy tiếng hò reo cuồng nhiệt hàng đêm, những tràng pháo tay vang dội từ các tòa nhà và cửa sổ bệnh viện mỗi 7h tối như hồi tháng 4. Đó từng là lời cảm ơn của người dân đối với nhân viên tuyến đầu chống dịch.

"Không còn ai vỗ tay nữa. Họ vượt qua rồi", bác sĩ tâm thần Jessica Gold, Đại học Washington ở St. Louis, nói.

Nhân viên y tế từng là tâm điểm của các cuộc thảo luận về Covid-19. Giờ đây, họ mờ nhạt trong bức tranh toàn cảnh. Một số người, như bác sĩ Cleavon Gilman, đã bị cắt lương khi bệnh viện tìm cách trang trải chi phí.

Số khác trút bỏ tấm áo choàng "anh hùng" được gắn lên mình bởi truyền thông và các chiến dịch quảng cáo. Danh xưng của họ trong cuộc chiến với tử thần không thể cứu vãn viễn cảnh tan hoang mà Covid-19 để lại.

Tiến sĩ Nicole Washington, làm việc tại khoa tâm thần ở một bệnh viện thành phố Oklahoma, cho biết hai chữ "anh hùng" gợi lên cảm giác dũng mãnh và siêu phàm. Song, nó không chừa lại nhiều chỗ cho sự đồng cảm. Khi được miêu tả như những bị cứu tinh, nhân viên y tế "không có quyền bị tổn thương".

Thục Linh (Theo NY Times)

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan