Vui buồn nghề giặt ủi ở Little Saigon

Ở Little Saigon có nhiều doanh nghiệp, từ nhà hàng cho đến các dịch vụ giấy tờ, nhưng rất ít thấy các tiệm giặt ủi, do “nghề giặt ủi lấy công làm lời là chính, mà cũng không phải là lời nhiều.”

Nhật báo Người Việt đã đến một số tiệm giặt ủi do người Việt làm chủ để tìm hiểu những tâm sự trong nghề giặt ủi của họ. Tuy cởi mở trò chuyện nhưng các chủ tiệm này ngại ngùng không muốn nêu tên, vì bởi họ chỉ muốn làm nghề này để kiếm sống và giúp đỡ những đồng hương cùng các sắc dân khác không có điều kiện tốt, được giặt ủi với giá rẻ.

Đó là một tiệm ở Fountain Valley, đã có mặt ở Little Saigon gần ba thập niên, theo lời của ông chủ. Ông cho biết: “Tiệm tôi ở đây từ những năm 1990 rồi. Tôi làm nghề này, tính đến nay đã gần 30 năm. Thời gian đi nhanh quá.”

177 Content Dp Dry Clean 4
Một tiệm giặt ủi ở San Francisco. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Về lý do tại sao chọn nghề này, ông chia sẻ: “Bố mẹ tôi làm nghề này từ khi ở Việt Nam, nên tôi học nghề của ông bà từ nhỏ. Lúc qua đến Mỹ thì đã quá lớn tuổi để đi học, nên đi làm nhiều việc không đòi hỏi bằng cấp nhiều, để dành tí vốn rồi lấy giấy phép mở một tiệm giặt ủi để giúp đồng hương.”

“Nhiều người họ coi mấy nghề như vậy là thấp kém trong xã hội, phải học ra bác sĩ, kỹ sư, thành ông này hay bà nọ thì mới được. Tôi nói thật nếu con cháu trong nhà muốn theo nghề của tôi thì tôi sẵn sàng truyền nghề lại, lao động chân chính mà chứ có gì đâu,” ông cho biết cảm nghĩ.

177 Content Dp Giat Ui 1
Một tiệm giặt ủi phải làm một ngày rất nhiều bộ quần áo. (Hình: downtownstl.org)

Ông kể về một kỷ niệm buồn trong những năm đầu lúc mới mở tiệm: “Hồi lúc mới mở tiệm được chừng vài tháng, có một khách hàng người da trắng đến gửi tôi bộ veston để giặt ủi cho ông đi đám cưới của người bạn. Lúc đó mới vào nghề, nên chân ướt chân ráo quản lý ra sao rồi làm trễ hẹn cho ông ấy. Tôi phải xin lỗi ráo riết, rồi phải làm nhanh để ông còn kịp lấy bộ áo để đi dự đám cưới. Tôi hẹn ông Thứ Năm mà phải xin lỗi rồi dời lại Thứ Sáu cho ông ấy. Tôi phải làm gấp để ông ấy có áo đi ăn đám cưới vào Thứ Bảy, rồi làm cho ông miễn phí, cũng may là làm kịp cho ông.”

“Nghề gì thì cũng có chuyện buồn vui. Nhưng đối với tôi, chỉ cần thấy được một khách hàng mới quay lại lần nữa là đủ vui rồi, họ phải tin mình thì mới trở lại lần thứ hai chứ. Cứ mỗi lần thấy như vậy tôi vui lắm, lấy chữ tín làm nghề mà,” ông chia sẻ.

Ông cho hay, khách hàng của ông đa số là người Việt, nhưng thỉnh thoảng cũng có người Mễ Tây Cơ và người bản xứ đến gửi mấy bộ đồ để giặt.

Nghề nào thì cũng có khó khăn riêng, ông chủ chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Đối với tôi, khó nhất trong nghề giặt ủi này là thời gian vì phải làm tìm cách làm cho kịp hẹn với khách, đây là điều mà tôi nhớ nằm lòng, nhất là sau vụ ông khách hàng người Mỹ mà tôi mới kể.”

“Ngoài ra, nhiều khi một tuần phải làm hơn cả trăm bộ đồ, nên thời gian lúc nào cũng là một vấn đề. Rồi còn phải gặp mấy thứ hóa chất trong thuốc tẩy nữa. Cũng may là những năm gần đây mấy loại thuốc tẩy bớt độc hại, chứ hồi trước tôi làm phải cẩn thận lắm,” ông cho biết.

Đó là tiệm ở Garden Grove do một phụ nữ người Việt làm chủ, nhưng điểm khác biệt ở tiệm của bà là còn sửa quần áo.

Bà cho biết: “Nhận thêm việc thì mình bận thêm thôi. Một ngày nhiều khi có cả chục khách đến nhờ sửa quần áo, từ lên lai quần cho đến sửa dây kéo, nút áo, sửa kiểu nào tôi cũng sửa. Từ giặt ủi đến sửa quần áo, lúc nào cũng phải chạy đua để làm kịp cho khách.”

Hầu hết các tiệm giặt ủi lúc nào cũng gặp những khó khăn này. Tiệm nào cũng phải cố gắng làm cho nhanh, cẩn thận, bởi để sống được với nghề này phải lấy chữ tín làm lời.

Bài liên quan