Từ một người tị nạn, Linh Huỳnh trở thành vận động viên chạy marathon ở Canada

Bản tin dưới đây được viết từ một bài báo của Medicine Hat News, nói về một phụ nữ Canada gốc Việt tị nạn và ước mơ chạy marathon (việt dã, chạy 26 dặm) của cô ở những nơi có khí hậu khắc nghiệt trên trái đất. Nghề nghiệp chính của cô là dạy học ở Medicine Hat, một thị xã nằm ở phía nam của tỉnh bang Alberta, gần biên giới Mỹ.

177 Content Linhhuynh2
Huỳnh Linh trong lần chạy marathon tại Bắc Cực năm 2011.
177 Content Linhhuynh1
Huỳnh Linh với các huy chương (Bowl Valley College)

Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975, người cộng sản chiếm trọn đất nước, khiến nhiều người quyết định họ phải ra đi để tìm tự do. Dấn thân vào chuyến vượt biển mạo hiểm lành ít dữ nhiều, nhưng hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam vẫn cương quyết bước vào một tương lai chưa biết rõ và không chắc chắn.

Tại buổi trò chuyện với khán giả tại Chinook Village vào tối thứ Hai, 27 tháng Ba, 2017, Huỳnh Linh cho biết khi cha mẹ dẫn cô lên chiếc thuyền ọp ẹp, cô vẫn còn quá nhỏ để giờ đây có thể nhớ đôi chút về Việt Nam. Cô cũng không nhớ lắm chiếc thuyền ọp ẹp đó đã đưa gia đình cô đến Indonesia và sau đó được đưa vào một trại tị nạn. Sau này, Linh có hỏi cha mẹ về quyết định của họ, và hỏi họ có sợ không.
Mẹ của cô trả lời, “Tất nhiên là cha mẹ sợ lắm chớ. Nhưng vì đôi khi sợ hãi không chịu biến mất, do đó cha mẹ phải làm trong lúc sợ hãi.”

177 Content Linhhuynh3
Huỳnh Linh nói chuyện với khán giả vào đêm 27 tháng Ba, 2017. (Medicine Hat News)

Huỳnh Linh cho khán giả xem một tấm hình đen trắng cũ kỹ, chụp gia đình cô khi còn sống ở trại tị nạn. Cha mẹ có tất cả tám người con, và cô là người con gái áp út. Cha mẹ cho biết các con là tài sản duy nhất, là những gì họ có trước khi họ được may mắn đưa tới Canada định cư. Linh nói đùa rằng tất cả gia tài của cha mẹ đều được nhìn thấy trong tấm hình này.

Một năm sau, gia đình Huỳnh Linh nhận được thông báo của chính quyền Indonesia, rằng một nhà thờ ở Brooks (Canada) đồng ý nhận bảo trợ họ. Thế là cha mẹ bồng bế tám đứa con rời khỏi trại tị nạn, lên đường đi Canada, tới một quê hương mới.

Tại quê hương thứ nhì này, Huỳnh Linh bắt đầu đi học trường trung học ở Brooks, sau đó cô tốt nghiệp đại học. Cô bắt đầu những tháng ngày đi chu du vòng quanh thế giới trước khi tham gia vào môn thể thao chạy marathon. Lúc bấy giờ đài CBC quảng cáo một cuộc thi viết tiểu luận, với chủ đề “Viết về một cuộc phiêu lưu trong mơ.” Linh Huỳnh đoạt giải với bài tiểu luận xuất sắc, trong đó nói rằng cô muốn chạy marathon được tổ chức ở Nam Cực.

Sau đó, cô thực hiện chính điều tưởng tượng trong giấc mơ: đó là tham gia cuộc đua marathon vào tháng 11, 2011. Cuộc đua này chỉ là phần khởi đầu. Tiếp theo, cô bay lên Bắc Cực để tham gia một cuộc chạy đua khác, và từ đó, hết cuộc đua này tới cuộc đua khác diễn ra trong đời cô.

Huỳnh Linh nói, “Tôi chinh phục được thời tiết lạnh giá, sau đó tôi muốn thử sức mình trong môi trường nóng bỏng.”

Thế là cô ghi danh tham gia cuộc chạy marathon có chặng đường dài 250 cây số, kéo dài 7 ngày 6 đêm, ở sa mạc Sahara, sa mạc Gobi, ở Chile và rồi cô quay lại Nam Cực một lần nữa. Tất cả những cuộc đua này đều đưa ra một điều kiện giống nhau, đó là người tham gia phải tự mang theo hành lý của họ trên lưng.

Khi được hỏi cô có sợ không, Huỳnh Linh trả lời, “Sợ chứ. Tất nhiên là tôi sợ chứ.”
Trong bốn ngày đầu tiên ở mỗi sa mạc, vận động viên phải chạy tổng cộng 42 cây số. Nhưng từ ngày thứ năm trở đi, họ phải chạy đến 80 cây số.

Nhiệt độ ban ngày có khi lên đến hơn 40 độ C (104 độ F), nhưng vào ban đêm, nhiệt độ rớt xuống chỉ còn 0 độ C, đã vậy tất cả vận động viên chỉ được ngủ trong lều vải. Đôi khi lạnh tới mức Linh run lập cập và không ngủ được.

Mỗi khi Linh hoàn thành một cuộc đua, mẹ cô thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi bà lại lo lắng trước một cuộc đua khác. Bà hỏi con gái tại sao. Cô trả lời, “Mẹ dạy con rằng cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu không có thử thách. Mẹ nói đôi khi sợ hãi không chịu biến mất, do đó phải làm trong lúc đang sợ.”

Hiện nay Huỳnh Linh, 41 tuổi, là một giáo viên tiểu học, dạy ESL, gia đình cô từ 10 người giờ nhân đôi thành 20 người. Trong hai năm 1975 và 1976, có 5,600 di dân Việt Nam tới Canada.  Từ năm 1985 tới nay, có hang chục ngàn người Việt Nam tới Canada định cư.


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan