Con gái Cụ Đề Thám làm diễn viên điện ảnh Pháp

Năm 1930, dư luận nước Pháp bỗng sôi nổi vì bộ phim "La Lettre", thế nhưng ít ai biết rằng nữ diễn viên chính là cô gái Việt, con gái của "Hùm Thiêng Yên Thế" Đề Thám (1884 - 1913), ông là nỗi khiếp đảm cho thực dân Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

132 1 Con Gai Cu De Tham Lam Dien Vien Dien Anh Phap

© Ảnh chụp năm 1930 khi make-up artist đang trang điểm cho cô Hoàng Thị Thế trong 1 cảnh phim "La Lettre".

Năm 1930, dư luận nước Pháp bỗng sôi nổi vì bộ phim "La Lettre" bởi lời giới thiệu của các nhà sản xuất rằng họ đã vinh hạnh mời được một công chúa Trung Hoa vào vai chính.

Thế nên, mọi người nô nức rủ nhau đi xem đến mức tạo nên một làn sóng. Họ cố tình muốn xem mặt vị công chúa lưu vong và trở thành diễn viên thế nào.

Họ đồng cảm được với tâm trạng đau khổ của người từ địa vị tôn quý lại rơi vào chốn bụi trần. Họ ái ngại và từ đó có cảm tình với cô.

Thế nhưng, sự thật thì nàng công chúa ấy lại là 1 thiếu nữ Việt Nam. Cô là Hoàng Thị Thế — người con gái duy nhất của cụ Đề Thám với người vợ thứ 3 là bà Ba Cẩn (tức bà Đặng Thị Nhu). Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại, cô bé Hoàng Thị Thế mới 8 - 9 tuổi.

Rồi sau đó, số phận đưa đẩy khiến cuộc đời cô như trở thành một bộ phim kỳ lạ.

Trong phong trào Cần vương chống Pháp đầu thế kỷ 20, Hoàng Hoa Thám (1846 - 1913) là một thủ lĩnh kiệt hiệt nhất.

132 2 Con Gai Cu De Tham Lam Dien Vien Dien Anh Phap

Hoàng Hoa Thám và các con (Hoàng Thị Thế đứng bên phải ông)

Ngót 30 năm lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế (1884 - 1913), ông là nỗi khiếp đảm cho thực dân Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề... Ít ai biết được người con gái của "hùm thiêng Yên Thế" lại có một số phận kỳ lạ.

Người con gái đó có tên Hoàng Thị Thế (1901 - 1988), là con của Đề Thám với bà vợ thứ ba tên Đặng Thị Nho (còn gọi là bà Ba Cẩn). Đề Thám hơn bà Nho 18 tuổi, ông lấy bà khi bà chưa đầy đôi mươi. Bà là con dòng dõi nhà nho, tài sắc vẹn toàn, biết cưỡi ngựa và sử dụng vũ khí.

Sau này bà trở thành nữ tướng trong nghĩa quân Yên Thế, một chỗ dựa vững chắc của Đề Thám. Bà sinh hạ cho ông ngoài cô con gái tên Thế còn có một người con trai tên Hoàng Văn Vi (còn gọi là Phồn, sinh năm 1908).

Hoàng Thị Thế sinh ngày 31.03 năm 1901, trong giai đoạn bình yên nhất của cuộc khởi nghĩa khi cụ Đề Thám và người Pháp ký thỏa thuận đình chiến. Cô được sống trong sung túc với người hầu kẻ hạ như trong 1 gia đình địa chủ (*).

Đến cuối năm 1909, đồn Phồn Xương thất thủ. Trong cơn binh biến, mọi người ly tán và lạc mất nhau.

Cô bé Hoàng Thị Thế được người chị dâu cõng chạy loạn, trốn khỏi vùng chiến sự. Trên đường đi, họ gặp một toán lính do một viên đại úy người Pháp chỉ huy và bị bắt. Cô được đưa ngay về như một chiến lợi phẩm đáng giá.

Vì thương con gái bé bỏng của chủ tướng mà Cai Mễ, một thủ lĩnh nghĩa quân già, đã đến gặp viên tướng Pháp và xin hàng, chỉ với một điều kiện là được trông nom cô gái nhỏ. Hoàng Thị Thế được đưa về Phủ Lạng Thương, rồi tiếp đó xuống Hà Nội. Với thân phận vô cùng đặc biệt, những tưởng cô bé Hoàng Thị Thế sẽ phải chịu chung số phận với những chí sĩ yêu nước thời đó (bị xử tử) hoặc ít nhất cũng là lưu đày khổ sai.

Nhưng không! Không biết vì lý do gì, Hoàng Thị Thế không những không bị xử tội mà còn được toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut nhận làm con nuôi và gửi sang Pháp cho ăn học dưới cái tên Marie Beatrice Destham.

Về trường hợp bị giặc Pháp bắt, thông tin từ hồi ký của cô Hoàng Thị Thế sau này cho biết:

Ngày 17.11.1909, Đề Thám cùng tàn quân về đến Yên Thế thì quân của Tiểu đoàn trưởng Bonifacy cũng kéo đến bao vây Nhã Nam. Quân Pháp tăng cường khủng bố, làm cho sự tiếp tế bị tê liệt...

Ngày 1.12, bà Ba Cẩn bị Pháp bắt được gần đồn chợ Gồ.

Hôm sau, Đề Thám dẫn 5 nghĩa quân đi cứu bà thì lọt vào ổ phục kích. Một nghĩa quân hy sinh, nhưng Đề Thám chạy thoát được. Ngày 24.2.1910, bà cùng 78 nghĩa quân bị mang về giam ở Hỏa Lò rồi bị án đày sang Guyane (Nam Mỹ).

Dọc đường, bà bị bệnh lao và mất ngày 25.11.1910.

132 3 Con Gai Cu De Tham Lam Dien Vien Dien Anh Phap

Hoàng Thị Thế (đứng hàng đầu) cùng nghĩa quân Yên Thế

Người con gái duy nhất của Đề Thám lúc đó mới 8 tuổi. Khi đồn Phồn Xương bị vỡ, người chị dâu (vợ Cả Hùynh - con nuôi Đề Thám) cõng cô đi lánh nạn thì cả hai bị Pháp bắt. Cô bé được đưa ngay về Nhã Nam cho mật thám Alfred Bouchet như một món chiến lợi phẩm đáng giá.

Trong thời gian sống ở Pháp, cô được cựu toàn quyền Paul Doumer (sau này trở thành tổng thống Pháp) nhận làm cha đỡ đầu. Ông trang trải giúp cô phần lớn chi phí cho cuộc sống bởi (có lẽ) xuất phát từ sự trân trọng mà Paul Doumer dành cho cha cô, như có lần ông nói với cô Thế:

— Không có lòng độ lượng của cha cô thì Galliéni (một vị tướng lẫy lừng của Pháp), không thể cứu được Paris… Ông Đề Thám đã vượt hơn hẳn chúng tôi. Ông ta bị gọi là giặc nhưng chính ông ta lại là người thượng võ. Đề Thám đúng là một con người ra con người.

Lớn lên, Hoàng Thị Thế trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Danh tiếng cùng với nhan sắc đã đưa cô đến với màn bạc Pháp. Cô được mời thủ vai công chúa trong bộ phim "La Lettre" — phiên bản khác của bộ phim "The Letter" do hãng Paramount (Mỹ) sản xuất trước đó một năm. Báo chí Pháp gọi cô là "công chúa Trung Hoa". Sau "La Lettre", Hoàng Thị Thế còn tham gia nhiều bộ phim khác như "La donna Bianca" (1931) hay "Le secret de l’émeraude" (1935).

Năm 1931, cô kết hôn với Robert Bourgès — một nhà độc quyền sản xuất rượu vang hàng đầu tại Bordeaux.

Họ có với nhau một con trai: Jean Marie. Sau đó gia đình ông Bourges (vốn là tư bản) nghe tin cô Thế có tham gia vào những hoạt động của phong trào cộng sản Pháp, hai người li dị. Hoàng Thị Thế tiếp tục sống những năm tháng tha phương nơi đất khách quê người.

Năm 1959, Hoàng Thị Thế được Tổng thống Ngô Đình Diệm mời về Sài Gòn thông qua bà Trần Lệ Xuân, nhưng bà đã từ chối.

Năm 1961, bà quyết định trở về Hà Nội sau khi nhận lời mời của phó thủ tướng VNDCCH Phan Kế Toại.

132 4 Con Gai Cu De Tham Lam Dien Vien Dien Anh Phap

Ban đầu bà sống ở Hà Bắc, đến năm 1974, bà về Hà Nội và sống bình lặng tại phòng 31, khu tập thể Văn Chương cho đến khi qua đời (năm 1988).

(*) — đây là giai đoạn khá yên ắng của cuộc khởi nghĩa khi cụ Đề Thám ký thỏa thuận đình chiến với Pháp. nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng để cụ tiếp tục nuôi dưỡng binh lực và hoạt động trong âm thầm.

(**) — sau khi về Hà Nội, bà bắt đầu viết quyển hồi ký "Kỷ niệm thời thơ ấu" kể về tuổi thơ của mình và giai đoạn đấu tranh trong núi rừng Yên Thế của cụ Đề Thám bằng tiếng Pháp. quyển hồi ký sau đó được nhà thơ Hoàng Cầm dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu năm 1975


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan